266 Lý Thường Kiệt,Phường 14, Quận 10,TP.HCM

    Khoa Chẩn đoán hình ảnh

    09/10/2024, 7:00

    KHOA CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH

    Giới thiệu chung:

    Chẩn đoán hình ảnh đã và đang đóng vai trò quan trọng trong y khoa, các phương tiện hiện đại ngày nay cho phép chúng ta phát hiện sớm và chính xác hơn các bệnh lý, chúng cũng cho phép hạn chế các thủ thuật điều trị không cần thiết. Bằng cách đó, Chẩn đoán hình ảnh đã tham gia ở tuyến đầu của công tác chăm sóc sức khỏe cho bạn.

    Với tiêu chí “Tiếp cận nhanh - Chẩn đoán chính xác - Điều trị kịp thời”, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương đã trang bị tại khoa Chẩn đoán hình ảnh các hệ thống thiết bị hiện đại, bao gồm các máy MSCT 6, hệ thống máy Cộng hưởng từ 1.5 Tesla, hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA), các máy siêu âm màu, 3D, 4D  và X quang kỹ thuật số…

    Với quy trình làm việc và thiết kế hợp lý, là một trong những bệnh viện sử dụng hệ thống PACS đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh,  khoa Chẩn đoán hình ảnh cho phép bạn thực hiện và có được kết quả chính xác và sớm nhất, hạn chế tối đa thời gian di chuyển. Đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản từ  Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng như từ các bệnh viện nổi tiếng trong thành phố, sẽ mang lại chất lượng phục vụ và chuyên môn tốt nhất…

    Chức năng, nhiệm vụ:

    - Đảm bảo cho công tác chẩn đoán phục vụ khám chữa bệnh.

    - Hỗ trợ cho lâm sàng tối ưu trong công tác điều trị.

    - Đáp ứng tối đa cho nhu cầu chẩn đoán, cấp cứu bệnh nhân 24/24.

    - Đón tiếp bệnh nhân ngay tại khoa.

    - Phát triển đội ngũ nhân lực chuyên môn.

    - Huấn luyện và đào tạo học viên: kết hợp với nhiều trường Đại học đào tạo mọi đối tượng liên quan đến Chẩn đoán hình ảnh như KTV trung cấp, KTV đại học, sinh viên Y3 đa khoa, SV Y học dự phòng, sinh viên YHCT, bác sĩ CKI, bác sĩ CKII, cao học, nội trú …

    Nhân sự:

    Khoa Chẩn đoán hình ảnh hiện có 37 nhân viên, bao gồm:

    - 16 Bác sĩ trong đó: 01 ThS.BSNT.BSCK2, 01 ThS.BSNT, 04 BSCK1

    - 15 KTV trong đó: 7 KTV trình độ cử nhân Đại học, 8 KTV Cử nhân Cao đẳng.

    - 6 Điều dưỡng trong đó: 4 cử nhân điều dưỡng

    - Ban chủ nhiệm khoa: 

    Phó trưởng khoa -  BS.CKI Trần Hữu Hạng

    Kỹ thuật viên Trưởng – CN. Võ Tấn Hoà

    Khoa chia làm 5 tổ, lần lượt theo 5 nhóm kỹ thuật chính trong chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, tuy nhiên định hướng của Khoa là hoạt động theo Hình ảnh học từng hệ thống cơ quan nên hầu hết các bác sĩ trong khoa đều có thể làm được nhiều kỹ thuật hình ảnh khác nhau: X quang, Siêu âm, CT, MRI, DSA.

    Trang thiết bị, vật tư y tế

    + 1 hệ thống máy CT 128 lát Hitachi

    + 4 máy siêu âm màu.

    + 1 hệ thống MRI 1,5 Tesla

    + 2 hệ thống máy số hóa DR.

    + 4 máy chụp Xquang tại giường (sử dụng tấm DR di động)

    Hoạt động:

    X- quang

    Trong cuộc sống hàng ngày, quý bệnh nhân khi có nhu cầu kiểm tra định kỳ có hỗ trợ của X-quang đều mong muốn hình ảnh rõ, chẩn đoán chính xác và giá cả hợp lý. Quý vị hãy an tâm khi lựa chọn dịch vụ chụp X-quang tại bệnh viện với hệ thống trang thiết bị chuyên môn hiện đại số hóa hoàn toàn. Một số hoạt động chuyên môn: 

    - Chụp X-quang sọ trong chấn thương sọ não, trong khảo sát hố yên..

    - Chụp Blondeau Hirtz để đánh giá các xoang.

    - Chụp các khớp thái dương hàm há - mở

    - Chụp X-quang xương chũm trong đánh giá các viêm tai giữa

    - Các tư thế chụp khảo sát lồng ngực bao gồm tim, phổi, khung sườn…

    - Các kỹ thuật chụp khảo sát ổ bụng trong bệnh cảnh cấp cứu như tắc ruột, thủng tạng rỗng, viêm phúc mạc…

    - Các kỹ thuật chuyên biệt cho hệ niệu có hoặc không tiêm thuốc tương phản đường tĩnh mạch.

    - Các kỹ thuật khảo sát ống tiêu hóa bằng uống thuốc tương phản để chụp dạ dày - ruột non hoặc bơm ngược dòng chụp đại tràng.

    - Chụp tử cung - buồng trứng

    - Chụp các đường rò

    - Chụp hệ mật - tụy ngược hoặc xuôi dòng...

    - Chụp toàn bộ khung xương từ cột sống đến chi trên, chi dưới qua các khớp…


     

    Thực hiện chụp X-quang số hóa (CR)
     

    Siêu âm

    Siêu âm là kỹ thuật dùng sóng siêu âm để chụp và nghiên cứu các cấu trúc bên trong cơ thể bệnh nhân. Sóng siêu âm phát ra có thể truyền qua môi trường lỏng và chỉ bị cản lại bởi khối không khí, xương và tổ chức mô của cơ thể bệnh nhân. Các tín hiệu âm phản hồi sẽ được đầu dò ghi lại và tạo nên hình ảnh động của các bộ phận cần siêu âm trên màn hình. 

    Một số hoạt động chuyên môn

    - Siêu âm tổng quát: để kiểm tra sức khoẻ và phát hiện tầm soát một số bệnh không có triệu chứng, kết hợp với lâm sàng để có chẩn đoán xác định.

    - Siêu âm cho sản phụ khoa: xác định tuổi thai và ngày dự sinh, chẩn đoán thai giai đoạn sớm và thai ngoài nhằm sớm tầm soát được dị tật của thai nhi.

    - Dopper màu của tim mạch: bệnh lý van tim, bệnh lý cơ tim thiếu máu, bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý mạch máu lớn (động – tĩnh mạch). 

     


     

    Máy siêu âm màu

    CTSCANNER

    CT là chữ viết tắt của Computed Tomography, chính xác hơn phải là X ray Computed Tomography, dịch ra là chụp X-quang cắt lớp điện toán tức là kỹ thuật dùng tia X để cắt lớp, hay còn gọi là cắt thành từng lát mỏng có bề dày nhất định xuyên qua người bệnh nhân và nhờ đến máy tính để tổng hợp cho ra được hình ảnh, và hình ảnh này là từ hình khối 3D do có bề dày chuyển thành hình 2D xem được trên phim và trên màn hình máy tính. Ứng dụng của CT, đặc biệt CT đa lát cắt là nhiều vô kể, chúng ta có thể khảo sát toàn bộ các hệ thống cơ quan nhờ CT. Tuy nhiên vì liên quan đến tia X nên chỉ định cũng cần phải được cân nhắc và tốt nhất nên được tư vấn từ bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh. Chúng ta thử điểm qua một vài ứng dụng khá nổi bật của CT khi “quét” từ đầu đến chân:

    - CT sọ não: rất quan trọng trong chấn thương sọ não, hiện nay hầu như chúng ta không còn chụp X-quang sọ não trong chấn thương, vì thông tin trên X-quang sọ không tương ứng với tổn thương trong não của bệnh nhân. X-quang sọ bình thường chưa chắc không có khối máu tụ bên trong hộp sọ, ngược lại, khi có đường nứt sọ trên X-quang cũng chưa chắc bệnh nhân có tổn thương nội sọ. Ngoài ích lợi to lớn trong chấn thương, CT còn giúp chẩn đoán sớm tai biến mạch máu não, thậm chí trong 3 giờ đầu xuất hiện triệu chứng, có thể phân định được ngay lập tức tổn thương nhồi máu não hay xuất huyết não, đánh giá toàn diện tổn thương, nhờ đó các nhà thần kinh học có thể xử trí tình huống kịp thời…

    - CT xoang: vai trò X-quang xoang (chụp tư thế Blondeau - Hirtz) ngày càng bị lu mờ và biến mất khi có CT xoang xuất hiện, vì CT cho hình ảnh rõ nét, chính xác, toàn diện hơn về tình trạng các xoang, về các dị tật của hốc mũi, có thể dựng hình đa chiều để các nhà tai mũi họng can thiệp dễ dàng hơn…

    - CT tai giữa: bên cạnh nội soi tai thì CT giúp bác sĩ tai mũi họng đánh giá được tình trạng bên trong ống tai giữa, có viêm nhiễm hay ảnh hưởng mức độ như thế nào với các chuỗi xương con và sào bào chũm lân cận.

    - CT răng: với kỹ thuật MSCT và dựng hình cùng in ấn theo tỉ lệ 1:1, các bác sĩ răng hàm mặt càng lúc càng ứng dụng CT răng để cấy ghép răng dễ dàng và chính xác hơn.

    - CT ngực: đây là ưu thế lớn nhất của CT khi so sánh với các kĩ thuật khác, kể cả MRI, vì CT là phương pháp khảo sát hữu hiệu các bệnh lý trong phổi đặc biệt với các tổn thương viêm nhiễm, u phổi, dãn phế quản, bệnh lý mô kẽ, bệnh lý màng phổi… CT ngực còn khảo sát tốt các bệnh lý thuộc trung thất và tim mạch, đặc biệt với CT từ 64 lát cắt trở lên, chúng ta thoát khỏi sự ảnh hưởng của nhịp tim (dưới 64 lát cắt rất khó khảo sát tim mạch do xuất hiện nhiều ảnh giả của nhịp tim) nên ứng dụng trong khảo sát mạch vành là điểm mạnh của kĩ thuật này.

    - CT bụng: đây cũng là ưu thế rất nổi trội của CT khi góp phần cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho lâm sàng đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân đau bụng cấp, giúp chẩn đoán hướng tới các nguyên nhân dễ dàng như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, thủng tạng rỗng, tắc ruột, lồng ruột… Ngoài ra CT còn cung cấp nhiều dữ kiện cho các khối u thuộc hệ gan mật, lách tụy, đánh giá tổng quan về tình trạng xơ gan, phân độ tốt cho các u thuộc đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, đại trực tràng… Thậm chí bằng những phần mềm chuyên biệt, chúng ta có thể tạo dựng nên một cuộc “nội soi ảo” trên CT.

    - CT hệ niệu: dần dần thay thế các kỹ thuật X-quang kinh điển như KUB, UIV bằng CT vì dữ kiện cung cấp nhiều hơn, chính xác hơn… Ưu thế trong chẩn đoán sỏi thận, u hệ niệu, viêm nhiễm và dị tật bẩm sinh hệ niệu…

    - CT hệ cơ xương khớp: cùng với X quang và MRI, CT góp phần không nhỏ trong chẩn đoán hệ cơ xương khớp khi các vấn đề liên quan đến xương sẽ luôn được khảo sát tốt hơn so với các kỹ thuật khác.

    - CT mạch máu: với kỹ thuật angio CT trên các máy đa lát cắt, người ta có thể khảo sát dễ dàng toàn bộ hệ mạch máu trong cơ thể một cách dễ dàng và nhanh chóng…

    Trên đây là vài kỹ thuật khá cơ bản và thường qui mà chúng tôi thực hành hàng ngày trên máy CT đa lát cắt tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh.

     

    Hệ thống chụp CT Scanner

    MRI

    MRI là một kỹ thuật tạo nên hình ảnh từ sự cộng hưởng của các proton trong cơ thể khi đặt vào từ trường rất mạnh. Trong quá trình chụp, bệnh nhân được đặt trong lồng máy có từ trường cao, các nguyên tử trong cơ thể sẽ cộng hưởng với sóng vô tuyến và phát ra tín hiệu. Tín hiệu này sau đó được ghi nhận và xử lý bởi hệ thống vi tính để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Mỗi một đợt ghi nhận tín hiệu sẽ tổng hợp lại thành một chuỗi các lát cắt và được gọi là “chuỗi xung”, tùy theo hệ thống cơ quan và bệnh lý khảo sát mà chúng ta có các kiểu chuỗi xung khác nhau, Cộng hưởng từ được chỉ định tương đối rộng rãi và có những thế mạnh - yếu riêng khi so sánh với CT, chúng ta lại điểm sơ lược một số ứng dụng, và cũng “quét” từ đầu xuống chân:

    - MRI sọ não: MRI rất nhạy để đánh giá các bất thường của não bộ, và có thể phát hiện những dấu hiệu không nhìn thấy trên CT. Các chỉ định tiêu biểu cho MRI não bao gồm nhức đầu, chóng mặt, thay đổi về thị giác, mất thính giác, động kinh, nôn ói, tầm soát di căn ở bệnh nhân ung thư, bệnh tự miễn, tê tay chân… MRI não giúp phát hiện đột quị, các bất thường mạch máu, u não, dị tật bẩm sinh, viêm nhiễm, bệnh lý chất trắng… Khu trú hơn có thể khảo sát khá chi tiết các bệnh lý vùng hố yên, hốc mắt, ống tai giữa, các dây thần kinh sọ…

    - MRI ngực: MRI rất tốt để đánh giá các mạch máu vùng ngực cũng như hạch bạch huyết, hạch trung thất, cơ và đám rối cánh tay. Các chỉ định tiêu biểu của MRI vùng ngực bao gồm bệnh sử nghi ngờ có khối u, lymphoma, ung thư, phình mạch và các bất thường mạch máu khác.

    - MRI tim: các chỉ định tiêu biểu của MRI tim bao gồm các bệnh lý tim bẩm sinh và mắc phải. Bệnh nhân có thể nhập viện do những lý do thứ phát như đau ngực, bệnh van tim, có tiền sử cơn đau thắt ngực hoặc nghi ngờ cơn đau thắt ngực, đánh giá cấu trúc và chức năng tim.

    - MRI vú: MRI có khả năng phân biệt mỡ, nước và silicone do đó đây là phương tiện được lựa chọn để khảo sát tuyến vú rất tốt. Chụp MRI vú để phát hiện và tầm soát ung thư vú là một kỹ thuật mới có thể được sử dụng phối hợp với chụp nhũ ảnh và siêu âm vú.

    - MRI bụng: MRI là phương tiện tuyệt vời để khảo sát gan, lách, thận, thượng thận, tụy. Các chỉ định tiêu biểu của MRI bụng bao gồm có tiền căn ung thư, đau, mất chức năng cơ quan, chảy máu, xơ gan, viêm gan. MRI giúp phát hiện hạch phì đại, bệnh lý di căn, u, phình mạch và các bất thường cấu trúc khác. MRCP (Magnetic Resonance Cholangiopancreatography) và MRU (Magnetic Resonance Urography) là những kỹ thuật không xâm lấn, không cần dùng thuốc tương phản nhưng vẫn có được hình ảnh tốt của cây đường mật, ống tụy, cũng như hình ảnh hệ niệu.

    - MRI chậu: là kỹ thuật ưu thế nhất để khảo sát vùng chậu, giúp đánh giá bệnh lý của tử cung, buồng trứng đối với nữ và tiền liệt tuyến, túi tinh đối với nam.

    - MRI cơ xương khớp: MRI có thể đánh giá cả các khớp lớn và khớp nhỏ như khớp vai, khuỷu, cổ tay, gối, và các cấu trúc khác của chi với hình ảnh giải phẫu cực kỳ chi tiết. Các chỉ định tiêu biểu của MRI cho khớp và mô mềm bao gồm đau, sưng, yếu, tổn thương dạng khối sờ được, giới hạn vận động…

    - MRI cột sống: là kỹ thuật ưu thế hẳn so với CT vì đánh giá khá tốt các chi tiết về đĩa đệm, dây chằng, gân cơ, chèn ép thần kinh…

    - MRI mạch máu: MRI có thể đánh giá mạch máu mà không xâm lấn. Kỹ thuật này được gọi là MR angiography (MRA). MRA có thể đánh giá các mạch máu vùng đầu và cổ để phát hiện các vị trí chít hẹp mạch máu, tắc nghẽn mạch máu, phình mạch não, dị dạng động tĩnh mạch (AVM) và bóc tách mạch máu. Kỹ thuật này có thể đánh giá cả hệ động mạch và tĩnh mạch.

     

    Hệ thống chụp cộng hưởng từ (MRI) 1.5 tesla  

    DSA: 

    • DSA là chữ viết tắt của Digital Subtraction Angiography: chụp mạch máu xóa nền; để mô tả những ứng dụng công nghệ mới trong y học sử dụng tia X chụp hệ thống mạch máu trong cơ thể và dùng những kỹ thuật xâm lấn tối thiểu can thiệp điều trị từ trong lòng mạch máu mà không cần phải phẫu thuật mở xâm lấn.
    • Trước đây khi chưa có các phương tiện chụp và can thiệp trong lòng mạch máu dưới DSA thì phần lớn những bệnh lý mạch máu và tim mạch chỉ điều trị nội khoa thông thường hoặc phẫu thuật (xâm lấn nhiều đến cơ thể người bệnh hoặc xuất hiện nhiều biến chứng), một số bệnh lý thì không điều trị được. Ngày nay, với sự xuất hiện của các phương tiện chẩn đoán và can thiệp mạch máu DSA hiện đại, cho phép chúng ta có thể chẩn đoán được các bệnh lý mạch máu một cách dễ dàngvới sự hồ trợ các phần mềm dẫn đường và dựng hình 3D trên máy dsa, đồng thời tiến hành can thiệp điều trị chính xác các bệnh lý mạch máu và tim mạch.

     

    • Cấp cứu can thiệp lấy huyết khối động mạch não trong đột quỵ do tắc động mạch lớn.
    • Chẩn đoán và điều trị phình động mạch não vỡ và chưa vỡ.
    • Chẩn đoán và điều trị các dị dạng mạch máu não, các tổn thương thông động – tĩnh mạch trong và ngoài sọ.
    • Chẩn đoán và can thiệp nong – đặt stent đối với các tổn thương hẹp động mạch trong và ngoài sọ.
    • Can thiệp gây tắc điều trị và hỗ trợ điều trị đối với các u giàu mạch máu cả trong và ngoài sọ và các u máu phức tạp…
    • Điều trị bệnh mạch máu tủy – cột sống
    • Chẩn đoán và can thiệp mạch máu tạng (hẹp, tắc động mạch tạng, chảy máu tạng do chấn thương hay sau phẫu thuật đường tiết niệu, thông động – tĩnh mạch, phình mạch máu tạng, u xơ tử cung, phì đại tuyến tiền liệt, xuất huyết tiêu hóa nặng điều trị nội thất bại, ung thư gan, cường lách).
    • Chẩn đoán và can thiệp điều trị đối với những trường hợp hẹp tắc động mạch ngoại biên, dị dạng mạch máu ngoại biên, hẹp – tắc cầu tay chạy thận nhân tạo,…
    • Điều trị chảy máu mũi và ho ra máu nặng do bệnh mạch máu phế quản
    • Chẩn đoán và can thiệp cho những trường hợp phình động mạch chủ bằng kỹ thuật đặt stent graft.


     

    Hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA

    Thực hiện kỹ thuật can thiệp bệnh nhân trên hệ thống DSA

    1. Hướng phát triển

    - Không ngừng nâng cao công tác chuyên môn, chất lượng chẩn đoán.

    - Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học

    - Cập nhật các tiến bộ mới về lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh trên thế giới và các bệnh viện lớn tuyến Trung ương trong cả nước.

    - Nâng cao kỹ năng,  hoàn thiện kỹ thuật đối với các kỹ thuật khó, chuyên sâu.

    - Sẵn sàng triển khai các kỹ thuật mới khi điều kiện về hạ tầng và trang thiết bị được đáp ứng phù hợp.

    - Định kỳ mời các chuyên gia hàng đầu về giảng dạy, trao đổi để cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho bác sỹ, kỹ thuật viên.

    - Can thiệp dưới hướng dẫn của Siêu âm, chụp cắt lớp vi tinh.

    Chia sẻ