266 Lý Thường Kiệt,Phường 14, Quận 10,TP.HCM

    CẤP CỨU BỆNH NHÂN VIÊM CƠ TIM CẤP

    30/06/2022, 7:00

    Vào lúc 12 giờ 26 phút, ngày 26 tháng 5 năm 2022 chị P.T.C.H (43 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) được người nhà đưa đến Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng mệt và xây xẩm nặng dần. Khi khai thác tiền sử bệnh từ bệnh nhân P.T.C.H cho biết: “Khoảng 2 tuần trước chị có thấy khát nước thường xuyên và uống nước nhiều, tiểu thường xuyên, ăn thì bình thường theo nhu cầu của chị. Khoảng 1 tuần trước nhập viện bệnh nhân bị ho khan, sốt (không rõ nhiệt độ), tự mua thuốc để uống, vẫn còn khát nhiều và uống nước nhiều. Cách 2 ngày trước nhập viện bệnh nhân  vẫn còn sốt, giảm ho khan, sau bữa ăn tối thì nôn 3-4 lần, nôn ra thức ăn kèm dịch vàng, kèm đau bụng âm ỉ quanh rốn, tiêu phân vàng mềm, bệnh nhân mệt và xây xẩm nặng dần” nên được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương.

    Tình trạng bệnh nhân P.T.C.H lúc nhập viện: bệnh tỉnh, vẻ đừ, niêm hồng, môi khô. Mạch khoảng 100l/p, huyết áp 100/60mmHg, nhiệt độ 37,5, SpO2 96% với khí trời, tim đều nhanh, phổi ít rale nổ 2 đáy phổi, bụng mềm ấn không đau. Bệnh nhân P.T.C.H được chẩn đoán: Sốt chưa rõ nguyên nhân, theo dõi nhiễm trùng tiêu hóa, viêm phổi, suy nhược cơ thể.

    Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nhiễm theo dõi điều trị, trong ngày trong ngày bệnh nhân diễn tiến lơ mơ, tiếp xúc chậm dần, ngủ li bì, huyết áp tụt 80/40 mmHg, xét nghiệm Đường huyết mao mạch high, Đường huyết tĩnh mạch 1688mg/dL, Khí máu toan chuyển hóa tăng Anion Gap, có Ketone và Glucose trong nước tiểu, Beta-Hydroxybutyrate máu tăng. Bệnh nhân được chẩn đoán: Hôn mê do nhiễm Ketone acid - Đái tháo đường mới phát hiện - Choáng nhiễm trùng từ đường hô hấp - Viêm phổi. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – chống độc tiếp túc điều trị.

    Sau hơn 9 tiếng nhập viện, bệnh nhân P.T.C.H còn lơ mơ, lay gọi có đáp ứng, đồng tử 2 bên 2mm, PXAS (+), cổ mềm, không dấu hiệu thần kinh định vị, bệnh nhân thở nhanh sâu, tim đều nhanh 120 l/p, huyết áp 80/45 mmHg, Spo2 96%, T0 37.5 0C, môi khô, lưỡi dơ, chi sờ ấm, CRT 3(s). Bệnh nhân được tiếp tục thở oxy, kháng sinh, vận mạch, bù dịch tích cực, cân bằng điện giải, Insulin, Natribicarbonate. 

    Ngày thứ 2, bệnh nhân cải thiện tri giác, Mạch 100 l/p, HA 110/80 mmHg, tiểu khá, khí máu động mạch toan chuyển hóa đã cải thiện. Trong quá trình theo dõi bệnh nhân, BS CKI Nguyễn Thị Thu Vân cho biết “Trong quá trình theo dõi, monitor ghi nhân hình ảnh ST chênh lên ở chuyển đạo DII, tiến hành đo ECG 12 chuyển đạo: ST chênh lên DII,DIII,aVF,V5,V6 và  ST chênh xuống V1,V2,aVL , lúc này bệnh nhân không đau ngực, không khó thở,huyết động ổn định,  xét nghiệm Troponin I hs > 50000 pg/ml siêu âm tim tại  giường: không ghi nhận loạn động, giảm động, không lớn các buồng tim, không ghi nhận dịch màng ngoài tim. Bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi nhồi máu cơ tim cấp ST chênh, chẩn đoán phân biệt viêm cơ tim cấp”. Sau đó bệnh nhân được hội chẩn tim mạch can thiệp và chỉ định chụp mạch vành, kết quả bình thường (ưu thế vành bên (P), LM, LAD, LCX, RCA: không hẹp). Bệnh nhân P.T.C.H được chẩn đoán: Viêm cơ tim cấp - Hôn mê nhiễm toan Ketone đang hồi phục - Viêm phổi - Đái tháo đường type 2 - Tổn thương thận cấp. 

    Bệnh nhân tiếp tục được điều trị: Kháng sinh, vận mạch, cân bằng dịch - điện giải, kiểm soát đường huyết, dinh dưỡng. Tri giác bệnh nhân cải thiện hoàn toàn, sinh hiệu ổn, ngưng được vận mạch, bilan nhiễm trùng cải thiện. Theo dõi điện tim, ST bớt chênh ở các chuyển đạo, men tim giảm dần, khí máu hết toan chuyển hóa, đường huyết ổn định.

    BS CKI Nguyễn Thị Thu Vân cùng bệnh nhân P.T.C.H sau khi bệnh nhân hồi phục và được chuyển đến Khoa Điều trị theo yêu cầu

    Sau 15 ngày điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương, chị P.T.C.H được xuất viện, sinh hiệu ổn. Chẩn đoán xuất viện: Viêm cơ tim, hôn mê do toan Ketone, tăng huyết áp, đái tháo đường type2. Chị P.T.C.H khi xuất viện đã gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương “Chị vô cùng cảm ơn y bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương đã cấp cứu và điều trị chính xác cho chị”.

    Viêm cơ tim là gì? 

    Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Viêm cơ tim có thể do nhiều nguyên nhân (như nhiễm trùng, chất gây độc tim, thuốc, và các bệnh hệ thống như sarcoidosis), nhưng thường là tự phát.

    Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi (20 – 40), gặp ở nam nhiều hơn nữ, biểu hiện phong phú có thể từ nhẹ đến nặng. Người bị suy giảm hệ miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ nhiều hơn.

    Bệnh viêm cơ tim có biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, thể tối cấp được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính và suy sụp tuần hoàn trầm trọng, có nguy cơ tử vong rất cao đến 70% nếu không được điều trị tích cực kịp thời.

    Triệu chứng của bệnh viêm cơ tim là gì?

    - Các chuyên gia cho biết, viêm cơ tim có những biểu hiện rất đa dạng, nhưng có thể chia bệnh thành 3 nhóm chính sau:

    + Nhóm không có triệu chứng: Một số trường hợp mắc viêm cơ tim nhưng những biểu hiện không rõ ràng, thậm chí không có biểu hiện gì khiến cho bệnh nhân khó phát hiện những thay đổi trong cơ thể. Từ đó, bệnh diễn biến âm thầm, đến khi phát hiện thì bệnh đã trở nên nghiêm trọng, cơ tim có thể bị phì đại.

    + Nhóm có triệu chứng điển hình: Một số đối tượng lại xuất hiện những thay đổi bất thường và rất điển hình. Ở thời kỳ khởi phát như sốt cao, đau nhức đầu, mỏi cơ, chảy nước mắt, nước mũi, tiêu chảy, khó thở và ăn uống kém. Tình trạng này khó thở có thể tăng lên sau 1, 2 ngày, kèm theo đó là hiện tượng đau ngực, đánh trống ngực và đau tức vùng gan.

    + Nhóm có triệu chứng nghiêm trọng: Bệnh nhân co tình trạng sốc tim, mạch đập nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được, da người bệnh tái. Triệu chứng nặng dần, bệnh nhân không đáp ứng điều trị và dễ dẫn tới tử vong.

    - Các triệu chứng viêm cơ tim phổ biến bao gồm:

    + Tức ngực

    + Mệt mỏi

    + Sưng chân, mắt cá chân và bàn chân

    + Nhịp tim nhanh hoặc không đều (loạn nhịp tim)

    + Khó thở, khi nghỉ ngơi hoặc trong khi hoạt động

    + Chóng mặt hoặc cảm giác như bạn có thể ngất xỉu

    + Các triệu chứng giống cúm như nhức đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, sốt hoặc đau họng

    Nguyên nhân viêm cơ tim?

    Viêm cơ tim có thể do nhiễm trùng, một số loại thuốc và hóa chất hoặc một tình trạng gây viêm toàn cơ thể. Thông thường, nguyên nhân của viêm cơ tim không được tìm thấy.

    Nguyên nhân tiềm ẩn của viêm cơ tim bao gồm:

    Vi rút.

    Nhiều loại virus có liên quan đến viêm cơ tim, bao gồm cả những virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus); COVID-19; viêm gan B và C; parvovirus, gây phát ban nhẹ, thường ở trẻ em (bệnh thứ năm); và virus herpes simplex.

    Nhiễm trùng đường tiêu hóa (echovirus), tăng bạch cầu đơn nhân (virus Epstein-Barr) và bệnh sởi Đức (rubella) cũng có thể gây viêm cơ tim. Viêm cơ tim cũng có thể do HIV, vi rút gây ra bệnh AIDS.

    Vi khuẩn. 

    Các vi khuẩn có thể gây viêm cơ tim bao gồm tụ cầu, liên cầu và vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và bệnh Lyme.

    Ký sinh trùng.

    Trong số này có Trypanosoma cruzi và toxoplasma. Một số ký sinh trùng được truyền bởi côn trùng và có thể gây ra một tình trạng gọi là bệnh Chagas. Bệnh Chagas phổ biến ở Trung và Nam Mỹ hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ.

    Nấm. 

    Nhiễm nấm có thể gây viêm cơ tim, đặc biệt ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Những nguyên nhân liên quan đến viêm cơ tim bao gồm nhiễm trùng nấm men, chẳng hạn như nấm candida; nấm mốc, chẳng hạn như aspergillus; và histoplasma, thường được tìm thấy trong phân chim.

    Ngoài ra, bệnh nhân phải sử dụng một số loại thuốc điều trị đặc hiệu có thể gặp tình trạng phản ứng dị ứng thuốc hoặc một số tác dụng phụ không mong muốn cũng có thể gây ra viêm cơ tim, như các thuốc được sử dụng để điều trị ung thư; thuốc kháng sinh (như thuốc penicillin và sulfonamid); một số loại thuốc chống động kinh và một số chất cấm như cocaine.

    Một số trường hợp phải sống trong môi trường độc hại, tiếp xúc với nhiều loại hóa chất thì nguy cơ viêm cơ tim cũng cao hơn so với những người khác.

    Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công mô cơ tim lành chứ không phải vi khuẩn.

    Các biến chứng do viêm cơ tiêm?

    Thông thường, viêm cơ tim sẽ tự khỏi mà không có biến chứng vĩnh viễn. Tuy nhiên, tình trạng viêm cơ tim nặng có thể làm cơ tim bị tổn thương vĩnh viễn.

    Các biến chứng tiềm ẩn của viêm cơ tim có thể bao gồm:

    Suy tim. 

    Nếu không được điều trị, viêm cơ tim có thể làm tổn thương cơ tim khiến nó không thể bơm máu tốt. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, suy tim liên quan đến viêm cơ tim có thể yêu cầu thiết bị hỗ trợ tâm thất hoặc cấy ghép tim.

    Đau tim hoặc đột quỵ. 

    Nếu cơ tim bị thương và không thể bơm máu, máu tích tụ trong tim có thể hình thành cục máu đông. Một cơn đau tim có thể xảy ra nếu cục máu đông làm tắc nghẽn một trong các động mạch tim (mạch vành). Đột quỵ có thể xảy ra nếu cục máu đông trong tim di chuyển đến động mạch dẫn đến não.

    Nhịp tim nhanh hoặc không đều (loạn nhịp tim). 

    Tổn thương cơ tim có thể thay đổi cách tim đập. Rối loạn nhịp tim nhất định làm tăng nguy cơ đột quỵ.

    Đột tử do tim. 

    Một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập (ngừng tim đột ngột). Nó có thể gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức (đột tử do tim).

    Thực hiện: BS CKI Nguyễn Thị Thu Vân, Trọng Hậu

     

     BS CKI Nguyễn Thị Thu Vân – Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Trưng Vương

    BS CKI Nguyễn Thị Thu Vân tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh và chuyên khoa I năm 2014 chuyên ngành Nội tổng quát tại Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Với hơn 13 năm kinh nghiệm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Trưng Vương.

    Chia sẻ