Chạy Thận Nhân Tạo: Quy trình, lợi ích, các biến chứng có thể gặp
12/07/2022, 7:00
Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị bệnh suy thận cấp hoặc suy thận mạn giai đoạn cuối, khi thận không còn khả năng lọc bỏ độc chất và nước ra khỏi cơ thể. Nếu đã phải chạy thận nhân tạo do suy thận mạn, người bệnh có thể phải phụ thuộc vào phương pháp này để duy trì sự sống cho đến hết phần đời còn lại hoặc tới khi được ghép thận.
Theo số liệu thống kê của Hội thận học thế giới ước tính, có khoảng 3 triệu người bệnh đang phải duy trì sự sống nhờ phương pháp lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) và ghép thận. Riêng tại Việt Nam, số người suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo là khoảng 80.000 người, chiếm tỷ lệ 0,1% dân số.
Hiện nay tỷ lệ bệnh nhân suy thận mạn phải can thiệp bằng phương pháp lọc máu ở nước ta tương đối cao. Nguyên nhân chủ yếu là do việc phát hiện bệnh muộn hoặc điều trị bệnh chưa đúng cách dẫn đến suy thận nặng, làm mất chức năng thận. Chạy thận nhân tạo không thể giúp chữa khỏi bệnh thận mà chỉ giúp thực hiện một phần chức năng của thận là lọc máu để duy trì sự sống cho người bệnh. Tuy nhiên, tiên lượng sự sống ở những người bệnh này thường không quá 10 năm.
Việc chạy thận nhân tạo cũng gây tốn kém, mệt mỏi cho cả bản thân và gia đình người bệnh. Với tần suất chạy thận trung bình 3 lần/tuần và mức chi phí khoảng từ 100 – 150 triệu đồng mỗi năm thì đây là một gánh nặng cho bất cứ gia đình nào.
Bệnh suy thận nên được khám chữa đúng cách tại bệnh viện theo phác đồ của bác sĩ. Việc tự ý điều trị tại nhà bằng những phương pháp chưa được kiểm chứng có nguy cơ gây suy thận nặng, dẫn đến phải chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Chạy thận nhân tạo cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim mạch như tụt huyết áp, mất máu, tắc mạch máu… Đặc biệt các biến chứng thường xảy ra ở những bệnh nhân có nhiều bệnh lý đi kèm. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ lịch chạy thận và tái khám định kỳ để bác sĩ điều trị theo dõi sức khỏe, kịp thời ứng biến nếu có biến chứng xảy ra.
Chạy thận nhân tạo là gì?
Bác sĩ CKII Phan Thanh Hằng – Phó Trưởng khoa Thận – Thận nhân tạo cho biết:
“Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng một loại máy nhằm điều trị bệnh suy thận cấp (thường do ngộ độc) hoặc suy thận mạn giai đoạn cuối khi thận đã mất gần hết hoặc mất hoàn toàn chức năng.
Khi bắt đầu điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo, kỹ thuật viên lọc máu sẽ chích hai cây kim vào mạch máu chạy thận trên tay của người bệnh. Mỗi kim được gắn vào một ống mềm nối với máy lọc máu. Máy lọc máu sẽ bơm máu qua bộ lọc để lọc bỏ độc chất và nước dư thừa, sau đó đưa máu trở lại cơ thể người bệnh. Trong quá trình lọc máu này, bệnh nhân sẽ được kiểm tra huyết áp, đồng thời kiểm soát tốc độ dòng máu chảy qua bộ lọc cũng như lượng chất lỏng được loại bỏ khỏi cơ thể.”
Chỉ định chạy thận nhân tạo trong trường hợp nào?
Bác sĩ CKII Phan Thanh Hằng – Phó Trưởng khoa Thận – Thận nhân tạo cho biết:
“Chạy thận nhân tạo được chỉ định trong một số trường hợp tổn thương thận cấp, ngộ độc cấp như ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc… Việc chạy thận nhân tạo sẽ chấm dứt khi bệnh nhân đã hồi phục chức năng thận sau khi thận bị tổn thương cấp tính hoặc sau khi đã loại bỏ được các chất ngộ độc.
Chạy thận nhân tạo lâu dài được chỉ định cho người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối khi mức lọc cầu thận đã giảm xuống rất thấp (eGFR<15 ml/ph/1,73 m2) và khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng như phù nhiều, hội chứng tăng urê máu, tăng kali máu, toan chuyển hóa…thì bệnh nhân cần được chạy thận nhân tạo ngay.
Thông thường, bác sĩ dựa trên mức lọc cầu thận ước tính (eGFR) để lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân. Đây là chỉ số để đo mức độ chức năng thận dựa trên xét nghiệm creatinin máu, giới tính, tuổi tác và một số yếu tố khác. Giá trị bình thường thay đổi theo độ tuổi, cân nặng, giới tính… Bác sĩ sẽ theo dõi chức năng thận, thảo luận cùng với bệnh nhân dựa trên tình trạng sức khỏe tổng quát, các dấu hiệu và triệu chứng, biến chứng kể trên, đánh giá chất lượng cuộc sống bệnh nhân để quyết định thời điểm bắt đầu chạy thận. Đôi khi người bệnh cũng có thể quyết định việc có chạy thận nhân tạo hay không.”
Lợi ích của phương pháp chạy thận nhân tạo
Bác sĩ CKII Phan Thanh Hằng – Phó Trưởng khoa Thận – Thận nhân tạo cho biết: “Chạy thận nhân tạo có thể giúp cơ thể kiểm soát huyết áp, đồng thời duy trì sự cân bằng dịch và các khoáng chất khác nhau như kali, natri trong cơ thể. Thông thường, quá trình chạy thận nhân tạo nên được bắt đầu tốt nhất là trước khi thận ngừng hoạt động đến mức gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.”
Biến chứng có thể gặp phải khi chạy thận nhân tạo
Bác sĩ CKII Phan Thanh Hằng – Phó Trưởng khoa Thận – Thận nhân tạo cho biết:
“Trong quá trình chạy thận nhân tạo, có thể xảy ra biến chứng hạ huyết áp, mất máu, tắc nghẽn đường mạch máu chạy thận... Về lâu dài, có thể gặp các biến chứng trên tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, nhiễm trùng, thần kinh, da liễu, rối loạn đông máu, lây nhiễm viêm gan B, C…
Hạ huyết áp: Những thay đổi đột ngột về cân bằng nước và hóa chất trong cơ thể trong quá trình điều trị có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp đột ngột. Hạ huyết áp có thể gây ra chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu, đau bụng hoặc yếu cơ... Bác sĩ có thể điều chỉnh các thông số cuộc chạy thận để giúp người bệnh tránh khỏi biến chứng này.
Mất máu: Người bệnh có thể bị mất máu nếu kim đâm chệch ra khỏi mạch máu hoặc bị súc kim lúc chạy thận, một số trường hợp bị vỡ các ống nhỏ trong bộ lọc gây rò rỉ máu. Để ngăn ngừa tình trạng mất máu, bệnh nhân khi chạy thận được theo dõi sát, cố định chắc các vị trí đâm kim chạy thận, các máy lọc máu luôn có một bộ phận cảm ứng phát hiện rò rỉ máu để đặt chuông báo động. Bác sĩ có mặt kịp thời để xử lý và khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Tắc nghẽn mạch máu chạy thận: Nếu lưu lượng máu kém hoặc xảy ra tắc nghẽn do cục máu đông hoặc sẹo xơ hẹp mạch máu có thể khiến tạm ngưng chạy thận. Lúc này, người bệnh phải được sửa chữa, thay thế đường mạch máu chạy thận thì mới có thể tiếp tục quá trình chạy thận nhân tạo.”
Nên làm gì giữa các đợt chạy thận nhân tạo?
Bác sĩ CKII Phan Thanh Hằng – Phó Trưởng khoa Thận – Thận nhân tạo cho biết:
Giữa các đợt chạy thận nhân tạo, độc chất và dịch dư thừa tiếp tục tích tụ trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân cần cân bằng giữa lượng nước nhập vào cơ thể (như nước uống, canh, nước phở, hủ tiếu) với lượng nước thải ra khỏi cơ thể (như nước tiểu, mồ hôi…). Bên cạnh đó, những thực phẩm người bệnh chạy thận cần hạn chế bao gồm:
Thức ăn giàu Natri (muối)
Chọn các loại thức ăn ít muối, ít natri sẽ giúp kiểm soát huyết áp, giảm tải cho tim và thận. Khẩu phần chỉ nên chứa dưới 2,300 mg natri mỗi ngày, tương ứng với 1 muỗng cà phê gạt muối.
Nên mua các thực phẩm tươi vì thực phẩm đóng gói thường được bổ sung muối.
Không thêm muối khi nấu nướng, khi ăn.
Kiểm tra lượng muối ghi trong thành phần của thực phẩm đóng gói.
Cố gắng dùng các loại thức ăn tiện lợi hay đông lạnh chứa ít muối.
Tránh dùng các loại thịt hộp, xúc xích, thị hun khói, thức ăn nhanh như khoai tây chiên, bánh cracker, snack, các loại mắm, dưa muối, các món kho, các đồ uống bù muối khoáng cũng chứa lượng natri lớn.
Rửa với nước các loại rau củ, đậu, thịt, cá đóng hộp trước khi ăn hoặc chế biến.
Lưu ý dùng các thức ăn có ghi các hàng chữ như: Không có muối, Ít muối…
Thức ăn giàu Kali
Lựa chọn thức ăn chứa lượng kali thích hợp giúp hệ thần kinh, tim, cơ bắp hoạt động tốt. Các loại thức ăn giàu kali nên tránh như:
Hầu hết các loại trái cây như chuối, mít, sầu riêng, dừa, nho, cam, chanh, bưởi, dâu, khoai tây, cà chua, bơ…
Các loại rau lá có màu xanh đậm (rau dền, rau muống, rau đay, rau mồng tơi, rau ngót…)
Bắp cải, củ cải trắng, hoa chuối, măng tre, nấm rơm, đậu cove, su hào…
Một số loại nước trái cây ép
Các chất thay thế muối ăn
Cần xem nhãn công thức các thành phần để biết lượng kali
Nên ăn rau chín, đã luộc hai lần, không dùng nước luộc rau.
Thức ăn giàu phốt pho
Nếu nồng độ phốt pho trong máu tăng sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa canxi làm hại xương, thận và mạch máu. Do đó, người bệnh cần tránh ăn các thực phẩm chứa nhiều phốt pho như:
Sữa, phô mai, yaourt.
Các loại hạt, cacao, chocolate, các loại đậu khô, bơ đậu phộng.
Các loại trái cây khô, thức ăn khô như tôm khô, thịt bò khô, thực phẩm đóng hộp.
Lòng đỏ trứng, thịt rừng, nội tạng động vật (như gan, óc, lòng ruột, cật…)
Bánh mì hoặc ngũ cốc nguyên cám.
Nước giải khát có ga, bia.
Các thức ăn nhanh, chế biến sẵn có chứa chất phụ gia làm mềm thịt.
Cần xem nhãn công thức các thành phần chứa trong thực phẩm có phốt pho thường viết tắt là “PHOS”.
Các thực phẩm chứa nhiều đạm
Bệnh nhân suy thận mạn không thể ăn đạm như người khỏe mạnh được, mà phải ăn đúng lượng đạm và đúng loại đạm giúp bảo vệ thận, làm chậm tiến triển bệnh thận. Nếu ăn quá nhiều có thể gây bất lợi trên chức năng thận, nguy cơ nhiễm độc urê máu. Nhưng nếu ăn quá ít sẽ gây suy dinh dưỡng, teo cơ bắp và suy sụp sức khỏe.
Đạm có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa) hoặc nguồn gốc thực vật (các loại đậu, hạt, củ, trái cây, rau). Loại đạm sử dụng cần chứa nhiều acid amin thiết yếu (rất cần thiết cho cơ thể, nhưng cơ thể lại không tạo ra được nên bắt buộc phải cung cấp từ thức ăn). Đạm động vật chứa đủ và nhiều acid amin thiết yếu hơn đạm thực vật nhưng đạm động vật lại chứa nhiều phốt pho và mỡ bão hòa không tốt cho thận và tim. Đạm thực vật không chứa đủ acid amin thiết yếu nhưng lại chứa nhiều chất mỡ có ích cho cơ thể, nên cần ăn kết hợp nhiều loại đạm thực vật trong ngày, nhóm thức ăn này chứa nhiều kali nên cần thận trọng khi sử dụng và chế biến.
Đối với bệnh nhân đang chạy thận định kỳ, lượng đạm cần thiết cho mỗi ngày là 1,2g/kg cân nặng để bồi hoàn lượng đạm bị mất đi trong khi lọc máu. Lượng đạm trung bình chứa trong 100g thịt, cá là 16-20g. Như vậy một người 50kg có thể dùng khoảng 200g thịt, cá mỗi ngày. Có thể bổ sung các acid amin thiết yếu bằng một số loại sữa hoặc dược phẩm dùng cho bệnh thận nhưng cần xem kỹ công thức để biết các loại và hàm lượng các acid amin thiết yếu, chất béo, phốt pho, kali…chứa bên trong.
Lời khuyên sức khỏe đối với bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo
Bác sĩ CKII Phan Thanh Hằng – Phó Trưởng khoa Thận – Thận nhân tạo gửi lời khuyên sức khỏe đến bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo:“Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị thuốc, tái khám định kỳ, chạy thận nhân tạo định kỳ theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với chế độ ăn lành mạnh, chế độ tự theo dõi sức khỏe tại nhà giúp kiểm soát tốt bệnh thận và các bệnh lý đi kèm, phòng ngừa các biến chứng lâu dài có thể xảy ra.”
Một số hoạt động điều trị bệnh nhân tại Khoa Thận – Thận nhân tạo:
Bác sĩ Phạm Duy Tiến tư vấn cho người nhà bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Thận – Thận nhân tạoĐiều dưỡng khoa Thận – Thận nhân tạo theo dõi tình hình bệnh nhân điều trị nội trú tại khoaBệnh nhân được Hộ lý khoa Thận – Thận nhân tạo di chuyển đến khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện chỉ định cận lâm sàngBác sĩ làm thủ thuật trên bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Thận – Thận nhân tạo
*Những hình ảnh trong bài viết đã được làm mờ và được sự đồng ý của bệnh nhân, thân nhân
Thực hiện: BS CKII Phan Thanh Hằng
Phối hợp thực hiện: Trọng Hậu – Phòng Công tác xã hội
BS.CKII Phan Thanh Hằng tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa năm 2007 trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa II năm 2021 tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Với hơn 12 năm hoạt động khám chữa bệnh trong lĩnh vực Thận - Thận nhân tạo, BS CKII Phan Thanh Hằng có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý như: điều trị các bệnh lý nội thận, tiết niệu, thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc ngắt quãng và thẩm phân phúc mạc liên tục bằng máy, lọc máu hấp phụ các độc chất, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter có cuff tạo đường hầm dưới da, sinh thiết thận. BS CKII Phan Thanh Hằng luôn làm việc với sự tận tâm, chăm sóc người bệnh hết lòng, luôn xem người bệnh như người thân của mình, luôn lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cùng người bệnh, giúp tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người bệnh trong quá trình điều trị.
BS CKI Phạm Duy Tiến – Khoa Thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Trưng Vương
BS CKI Phạm Duy Tiến tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa tại trường Đại Học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 và Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành nội khoa tại Đại Học Y Dược TP HCM năm 2022
Với hơn 10 năm hoạt động trong khám chữa bệnh trong lĩnh vực Thận – Thận nhân, điều trị các bệnh lý nội thận, tiết niệu, thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc ngắt quãng và thẩm phân phúc mạc liên tục bằng máy, lọc máu hấp phụ các độc chất, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter có cuff tạo đường hầm dưới da, sinh thiết thận.
Các chương trình điều trị của của Thận – Thận Nhân tạo, Bệnh viện Trưng Vương
Chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về thận - tiết niệu (nội và ngoại trú):
Nhóm bệnh tổn thương thận cấp, bệnh thận mạn
Nhóm bệnh lý cầu thận (hội chứng thận hư, Lupus ban đỏ hệ thống biến chứng thận, bệnh lý vi cầu thận cấp-mạn…)
Nhóm bệnh lý đường tiết niệu (nhiễm trùng tiểu, sỏi đường tiết niệu…)
Các kỹ thuật thực hiện được:
Chạy thận nhân tạo cấp cứu và chu kỳ: là 1 trong 10 kỹ thuật thực hiện nhiều nhất của toàn bệnh viện.
Lọc máu hấp phụ các độc chất với màng lọc than hoạt Absorba 300.
Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm (đùi, cảnh trong).
Đặt catheter hầm có cuff: là kỹ thuật chuyên sâu trong lọc máu.
Lọc màng bụng ngắt quãng (CAPD)
Lọc màng bụng liên tục bằng máy (APD): là kỹ thuật mới được triển khai từ năm 2020, giúp giải quyết một số bệnh nhân cần lọc màng bụng sớm