30/08/2022, 7:00
Có ai chưa từng bị đứt tay, đứt chân; có ai chưa từng trầy xước chân tay dù chỉ một chút. Những vết thương nhỏ ấy đối với người bình thường thì vài bữa sẽ hết, nhưng đối với người đái tháo đường nhất là những người chưa biết mình mắc bệnh đái tháo đường rồi chủ quan trong chăm sóc vết thương thì hậu quả khó mà lường trước được.
Trong nhiều năm qua, Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương có tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường. Trong đó có trường hợp bệnh nhân nữ 58 tuổi, tiểu thương bán rau ở chợ và là trụ cột kinh tế chính của gia đình. Cách lúc nhập viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân sơ ý trong lúc sinh hoạt đã đạp trúng đinh vùng ngón 1 chân (T), do hoàn cảnh khó khăn phải nên bệnh nhân đã không đi khám bệnh mà tự điều trị tại nhà nhưng không hết dẫn tới hoại tử ngón 1 chân (T) rồi mới đi khám tại Bệnh viện Trưng Vương.
Theo lời bệnh nhân chia sẻ: Vết thương ở chân (T) của cô nhỏ, cô nghĩ rằng tự mua thuốc về uống như mọi khi rồi sẽ hết. Cô không biết mình mắc bệnh đái tháo đường từ lúc nào vì bản thân cô không béo phì, cô không thèm ngọt, cô ăn ít cơm, chỉ có điều là làm việc hay bị mệt.
PGS.TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Ngày 25 tháng 04 năm 2022 Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ tiếp nhận bệnh nhân nữ 58 tuổi vào viện trong tình trạng sốt nhẹ, ngón 1 chân (T) hoại tử đen, tiết dịch hôi, có nhiều ấu trùng ruồi xung quanh vết thương. Tiền căn có đái tháo đường type 2 không điều trị. Sau khi vào viện và được làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đánh giá tình trạng hoại tử nặng, nguy cơ cao phải đoạn 1/2 bàn chân (T) hoặc cao hơn. Nhưng với mong muốn của bệnh nhân là giữ lại tối đa bàn chân để mưu sinh sau khi điều trị nên chúng tôi đã quyết định điều trị theo hướng bảo tồn tối đa bàn chân cho bệnh nhân”.
BS. Ngô Phạm Gia Huy - người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân này chia sẻ: “Trường hợp của bệnh nhân T là 1 trường hợp rất khó khăn trong việc điều trị vì hoàn cảnh gia đình bệnh nhân. Cụ thể, tình trạng hoại tử nhiễm trùng của bệnh nhân vẫn tiếp diễn khó kiểm soát mặc dù đã được điều trị nội khoa tích cực và cắt lọc triệt để mô hoại tử sau mỗi lần phẫu thuật. Tuy nhiên, quá trình điều trị cũng ảnh hưởng 1 phần do hoàn cảnh gia đình bệnh nhân hết sức khó khăn, bác sĩ buộc phải cân nhắc lựa chọn những biện pháp điều trị tại chỗ phù hợp với bệnh nhân. Đến ngày 19/08/2022, sau khoảng hơn 3 tháng điều trị bảo tồn tối đa bàn chân, bệnh nhân được xuất viện, tuy bàn chân đã không còn lành lặn như trước nhưng bệnh nhân vẫn có thể đi lại được trên chính đôi chân của mình để tiếp tục mưu sinh nuôi sống gia đình”.
Khoảng 50% số người mắc đái tháo đường có tổn thương thần kinh. Tổn thương này gặp ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, tuy nhiên phần lớn xuất hiện ở đôi bàn chân vì vậy khi có vết thương ở vùng bàn chân, bệnh nhân thường giảm hoặc không có cảm giác do đó tự đánh giá sai về tình trạng vết thương dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc khi nhập viện trong tình trạng hoại tử lan rộng toàn bộ bàn chân hay nghiêm trọng hơn là trình trạng nhiễm trùng huyết.
Thực hiện: PGS.TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh – Trưởng Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương
BS. Ngô Phạm Gia Huy – Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương
Lê Thu – Phòng Công tác xã hội
PGS.TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa hệ Ngoại năm 1989 tại trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Thạc sĩ Y học năm 2000 tại trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Tiến sĩ Y học năm 2009 tại Học viện Quân Y chuyên ngành Bỏng – Tạo hình. Năm 2018 được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Y học.
Kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị các bệnh lí: Bỏng - Chăm sóc vết thương - Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.