07/01/2024, 7:00
Vào 15 giờ ngày 14/10/2023, bệnh nhân N. N. T. T., nữ, 28 tuổi được người nhà đưa đến khoa Cấp cứu – Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng đau hạ sườn phải, vàng da niêm. Tiền căn ghi nhận bệnh nhân sử dụng thuốc giảm cân hiệu BASCHI kéo dài trên 6 tháng. Chẩn đoán sơ bộ lúc nhập viện là theo dõi viêm gan cấp nghi do thuốc – theo dõi viêm túi mật cấp - theo dõi nhiễm trùng huyết. Sau khi thực hiện những cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn với bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát loại trừ chẩn đoán đau bụng do các bệnh lý ngoại khoa, bệnh nhân T. được chuyển sang Khoa Nội Nhiễm tiếp tục điều trị.
Tại Khoa Nội Nhiễm, các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy men gan tăng cao rối loạn đông máu nặng và giảm đạm máu nặng nên chẩn đoán nghĩ nhiều nhất tại thời diểm này là viêm gan cấp nghi do thuốc – theo dõi nhiễm trùng huyết. Phương pháp điều trị được sử dụng là kháng sinh, hạ men gan, vitamin K1 (cầm máu), duphalac (nhuận tràng). Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đột ngột ra máu âm đạo lượng nhiều theo chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nội Nhiễm chăm sóc tích cực nhưng tri giác bệnh nhân vẫn diễn biến xấu dần trong bệnh cảnh não gan, choáng giảm thể tích tổn thương đa cơ quan, theo dõi choáng nhiễm trùng từ đường tiêu hóa. Khoa Nội Nhiễm nhanh chóng hội chẩn với Khoa Hồi sức tích cực – chống độc (HSTC – CĐ), quyết định đặt nội khí quản cấp cứu và thở máy xâm lấn cho bệnh nhân vào đêm ngày 16 tháng 10.
Cùng đêm, bệnh nhân được chuyển đến Khoa HSTC – CĐ trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy xâm lấn, huyết áp tụt, chi lạnh, tái. Trực tiếp khám cho bệnh nhân T., BS CKI Trương Huỳnh Tấn Phú (BS trực) cho biết: “Chẩn đoán bệnh nhân T. khi nhập khoa là choáng giảm thể tích tổn thương đa cơ quan - suy gan cấp biến chứng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu bệnh não gan nghi do thuốc – theo dõi choáng nhiễm trùng từ đường tiêu hóa”. Bệnh nhân nhanh chóng được tiêm thuốc cầm máu, truyền máu bù lại thể tích máu đã mất, truyền tiểu cầu và huyết tương tươi đông lạnh để điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu. Nhận thấy tình trạng bệnh rất nặng, diễn tiến xấu nhanh chóng; men gan tăng trên 20 lần so với người bình thường, bilirubin máu tăng rất cao (731,6 μmol/L), BS Phú lập tức hội chẩn với Trưởng khoa Ths BS CKII Nguyễn Thiên Bình quyết định đặt catheter tĩnh mạch đùi và tiến hành thay huyết tương ngay trong đêm. Sau 6 giờ được tích cực hồi sức, tri giác bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, sinh hiệu dần ổn định, thở máy êm. Cùng với sự nỗ lực của bệnh nhân và chăm sóc của nhân viên y tế, bệnh nhân cai máy thở thành công, được rút nội khí quản, chuyển thở oxy qua cannula mũi và ngưng các thuốc vận mạch vào ngày 19 tháng 10.
Tuy nhiên, lúc này chúng tôi bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề khác. Tiếp tục tìm kiếm các nguyên nhân khác có thể gây tình trạng suy gan cấp bằng những xét nghiệm đặc hiệu và chụp cộng hưởng từ đường mật, chúng tôi nghĩ nhiều đến viêm gan tự miễn và bắt đầu sử dụng thuốc ức chế miễn dịch là corticoid. “Chức năng gan của bệnh nhân hồi phục rất chậm, cần phải thay huyết tương thêm 2 lần sau đó. Có thời điểm, bệnh nhân mắc viêm phổi bệnh viện, choáng nhiễm trùng do Klebsiella pneumonia đa kháng cần phải sử dụng thuốc vận mạch liều cao và kháng sinh phổ rộng. Và thậm chí có lúc tình trạng lâm sàng của bệnh nhân diễn tiến rất xấu khi đột ngột nôn ra máu lượng nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự cấp cứu kịp thời và can thiệp nội soi dạ dày cầm máu, bệnh nhân đã vượt qua nguy hiểm cận kề.” Ths BS Dương Quang Phát (BS điều trị) chia sẻ.
Hơn 1 tháng điều trị tại Khoa HSTC – CĐ Bệnh viện Trưng Vương là khoảng thời gian sinh tử của bệnh nhân, ThS BS CKII Nguyễn Thiên Bình chia sẻ: “Chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến vậy, từng giây từng phút chúng tôi luôn phải tập trung cao độ để giành lại sự sống cho người bệnh. Và điều kì diệu đã đến!”.
Đến ngày 1 tháng 12 năm 2023, tình trạng bệnh nhân T. ổn định, ngưng thở oxy, bớt vàng da và được chuyển đến Khoa điều trị theo yêu cầu để tiếp tục theo dõi. Thời gian sau đó, bệnh nhân dần hồi phục, ăn uống được, sinh hiệu ổn và xuất viện vào ngày 11 tháng 12 trong sự vui mừng của tập thể khoa và gia đình người bệnh!
Quá trình thay huyết tương bằng huyết tương tươi đông lạnh cho bệnh nhân tại Khoa HSTC – CĐ Bệnh viện Trưng Vương
Bệnh nhân T. quay lại phòng khám Khoa HSTC – CĐ tái khám sau khi xuất viện
Ngày 25 tháng 12, bệnh nhân T. quay lại tái khám. Hiện bệnh nhân có thể tự đi lại và sinh hoạt cá nhân tại nhà, ăn uống khá hơn, bớt vàng da, nói chuyện linh hoạt!
Thực hiện: Tập thể Khoa HSTC – CĐ Bệnh viện Trưng Vương