266 Lý Thường Kiệt,Phường 14, Quận 10,TP.HCM

    KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT: LÀM NHỮNG GÌ VÀ KHI NÀO THÌ CẦN LẶP LẠI?

    28/02/2024, 7:00

    Khám sức khỏe tổng quát là gì?

           Mọi người đi khám bác sĩ vì nhiều lý do khác nhau. Một số người chỉ đến gặp bác sĩ khi họ bị bệnh hoặc đang gặp phải một vấn đề và đang muốn biết về phương pháp chẩn đoán hoặc điều trị cụ thể. Một số người gặp bác sĩ định kỳ hơn để theo dõi liên tục một vấn đề hoặc bệnh mạn tính.

          Tuy nhiên, đối với nhiều người, đến gặp bác sĩ là để khám sức khỏe định kỳ với nhiều nhu cầu khác nhau:

    • Khám sức khỏe hàng năm,

    • Theo dõi thuốc theo toa,

    • Khám trước khi lập gia đình và khi có ý định mang thai

    • Khám sức khỏe phụ nữ.

          Một số người mong muốn được kiểm tra sức khỏe hàng năm và những người khác cho rằng việc kiểm tra sức khỏe có nhất thiết phải thực hiện hằng năm?

    Bạn nên khám sức khỏe bao lâu một lần?

             Trước đây, hầu hết các cơ quan y tế đều chủ trương khám sức khỏe hàng năm. Tuy nhiên, gần đây hơn, các Hiệp hội Y khoa trên thế giới đã loại bỏ việc định kỳ hàng năm. Hiện tại, họ đề xuất rằng kiểm tra y tế (đánh giá hoặc khám sức khỏe định kỳ) nên được thực hiện 5 năm một lần (đối với người lớn trên 18 tuổi) cho đến 40 tuổi và sau đó là mỗi 1-3 năm một lần. Nên đánh giá thường xuyên hơn đối với những người đang phải dùng thuốc theo toa.

            Hầu hết những người dưới 40 tuổi thường không mắc các bệnh có thể chẩn đoán chỉ bằng khám thực thể. Ở độ tuổi này, các vấn đề sức khỏe thường có dấu hiệu hoặc hội chứng cụ thể để bạn phải đi khám bác sĩ. Ngoài ra, nhiều xét nghiệm được thực hiện thường xuyên trước đây không được coi là hiệu quả về mặt chi phí và trong một số trường hợp còn gây ra sự lo lắng và phải xét nghiệm bổ sung không cần thiết.

    Mục đích khám sức khỏe định kỳ:

    o Phòng ngừa ban đầu: Cập nhật các vaccin ngừa các bệnh cần thiết

    o Xác định các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh mạn tính thường gặp

    o Phát hiện bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng (phòng ngừa thứ cấp): phát hiện sớm các tình trạng bệnh để điều trị sớm

    o Là cơ hội để bác sĩ tư vấn cho người khám có chế độ ăn tốt cho sức khoẻ và duy trì tập luyện thể chất

    o Để cập nhật dữ liệu lâm sàng và so sánh với những lần khám trước đó

    o Để tăng cường mối quan hệ giữa người khám và bác sĩ

    Bạn cần khám sức khỏe định kỳ bao lâu một lần để ngăn ngừa tình trạng bệnh?

    Có ba cấp độ chăm sóc phòng ngừa:

    o Phòng ngừa ban đầu bao gồm các biện pháp can thiệp có thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh ở những người có nguy cơ. Một ví dụ là chủng ngừa một số bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccin như sởi và uốn ván.

    o Phòng ngừa thứ cấp xác định các yếu tố nguy cơ đã được xác định đối với bệnh tật. Kiểm tra huyết áp, cholesterol và thực hiện xét nghiệm Pap để sàng lọc ung thư cổ tử cung là những ví dụ trong đó việc xác định kết quả bất thường có thể dẫn đến các biện pháp can thiệp hiệu quả có thể ngăn ngừa bệnh phát triển nghiêm trọng hơn.

    o Phòng ngừa cấp ba là một quá trình tối ưu hóa sức khỏe sau khi bệnh đã được chẩn đoán. Một ví dụ là kế hoạch quản lý để ngăn chặn một người bị đau tim lần nữa khi họ đã mắc bệnh tim.

    Các biện pháp can thiệp phòng ngừa mà bác sĩ có thể sử dụng khi khám sức khỏe cho bạn là:

    o Xét nghiệm sàng lọc rất hữu ích trong việc phát hiện sớm bệnh. Một số ví dụ bao gồm khám sức khỏe, đo huyết áp, xét nghiệm Pap và xét nghiệm máu.

    o Tiêm chủng bao gồm các mũi tiêm như tiêm nhắc lại uốn ván, tiêm phòng cúm và các loại vaccin khác.

    o Kê các toa thuốc đơn giản như đề nghị người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim nên dùng aspirin hàng ngày.

    o Tư vấn nâng cao sức khỏe trước hoặc trong khi có vấn đề về sức khỏe có thể làm giảm khả năng mắc hoặc ngăn ngừa bệnh tật. Ví dụ về các chủ đề tư vấn bao gồm cai thuốc lá, thực hành tình dục an toàn và tư vấn trước khi mang thai về việc bổ sung axit folic.

    Bạn có thể mong đợi điều gì khi khám sức khỏe thông thường?

    Bệnh sử: Việc cập nhật thông tin trên hồ sơ bệnh án của bạn là rất quan trọng. Một số mục bạn có thể sẽ được hỏi bao gồm:

    o Ngày và kết quả của các lần khám và xét nghiệm trước đó (chẳng hạn như chủng ngừa trước, xét nghiệm Pap, chụp quang tuyến vú, mức cholesterol và chỉ số huyết áp)

    o Tiền sử bệnh tật đầy đủ và cập nhật của gia đình: Điều này sẽ giúp bác sĩ của bạn biết được những bệnh nào thường gặp (di truyền) trong gia đình bạn.

    o Tiền sử bệnh trước đây của bạn, bao gồm việc ghi nhận lại tất cả các loại thuốc bạn đã dùng và các ca phẫu thuật trước đó

    o Thông tin về nơi làm việc cũng như điều kiện giải trí và sinh hoạt tại nhà của bạn

    o Các thói quen của bạn như sử dụng uống rượu, hút thuốc, tập thể dục và quan hệ tình dục

    o Thông tin về các chức năng bình thường của cơ thể bạn như ăn, ngủ, tiểu tiện, chức năng tiêu hoá, thị giác và thính giác

    Khám thực thể và xét nghiệm chẩn đoán

    o Số lần khám thực thể mà bác sĩ thực hiện và các xét nghiệm được chỉ định sẽ khác nhau tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi và thông tin thu được từ tiền sử lâm sàng của bạn.

    o Khám thực thể hữu ích nhất trong việc xác định bệnh ở những người đã có triệu chứng, nhưng nó thường ít được sử dụng như một xét nghiệm sàng lọc ở những người không có triệu chứng.

    o Các cơ quan y tế đã phát triển các biểu đồ theo độ tuổi cụ thể để sàng lọc sức khỏe định kỳ cho người dân nói chung, với các biện pháp can thiệp đặc biệt cho những người có nguy cơ cao.

    Các nhóm tuổi khác nhau nên làm xét nghiệm sàng lọc và phòng ngừa bệnh bao lâu một lần?

    Sàng lọc và phòng ngừa cho lứa tuổi 19-39

    • Lịch khám

    o Nam: 5 năm một lần

    o Nữ: 3 đến 5 năm một lần

    • Sàng lọc

    o Đánh giá nguy cơ mắc bệnh mạn tính

    o Chiều cao và cân nặng

    o Huyết áp

    o Khám lâm sàng vú (3 năm một lần bắt đầu từ 20 tuổi)

    o Mức cholesterol trong máu

    o Xét nghiệm Pap cho phụ nữ (ít nhất ba năm một lần sau 3 kết quả bình thường hàng năm liên tiếp)

    o Ở nhóm có nguy cơ cao: xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục

    • Tư vấn và giáo dục

    o Hạn chế chất béo trong chế độ ăn, tư vấn dinh dưỡng chung

    o Bổ sung axit folic cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

    o Cai thuốc lá

    o Nhắc nhở việc uống rượu và lái xe

    o Tránh thai và thực hành tình dục an toàn

    o Hoạt động thể chất

    • Tiêm chủng

    o Tiêm nhắc uốn ván-bạch hầu 10 năm một lần

    o Vaccin thủy đậu (nếu bạn có kết quả xét nghiệm âm tính và không có tiền sử nhiễm thủy đậu)

    o Vaccin sởi (nếu bạn có kết quả xét nghiệm âm tính)

    o Vaccin viêm gan B (nếu chưa tiêm trước đó)

    o Vaccin cúm (tùy chọn, tùy theo sở thích cá nhân)

    o Các nhóm có nguy cơ cao nên được tiêm vaccin ngừa phế cầu khuẩn, vaccin cúm và vaccin viêm gan A (Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có đủ điều kiện nhận bất kỳ loại vaccin nào trong số này không.)

    Sàng lọc và phòng ngừa cho lứa tuổi 40-64

    • Lịch khám

    o Nam: 5 năm một lần

    o Nữ: 3 đến 5 năm một lần

    • Sàng lọc

    o Đánh giá nguy cơ mắc bệnh mạn tính

    o Chiều cao và cân nặng

    o Khám lâm sàng vú hàng năm

    o Cholesterol máu

    o Xét nghiệm Pap (tối đa 3 năm một lần sau 3 kết quả bình thường hàng năm liên tiếp)

    o Chụp quang tuyến vú (tùy chọn 40-49, hàng năm 50-75)

    o Sàng lọc ung thư ruột già

    o Ở nhóm có nguy cơ cao, xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục và sàng lọc bệnh tiểu đường

    • Tư vấn và giáo dục

    o Chế độ ăn hạn chế chất béo, tư vấn dinh dưỡng tốt

    o Cai thuốc lá

    o Nhắc nhở việc uống rượu và lái xe

    o Liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh

    o Hoạt động thể chất

    • Tiêm chủng

    o Tiêm nhắc uốn ván-bạch hầu 10 năm một lần

    o Vaccin cúm (tùy chọn)

    o Ở các nhóm có nguy cơ cao nên tiêm vaccin viêm gan A và B, vaccin phế cầu khuẩn, vaccin cúm, vaccin rubella có thể được khuyến nghị

    • Thuốc phòng ngừa

    o Aspirin hàng ngày cho những người có yếu tố nguy cơ hoặc đã mắc bệnh tim

    Sàng lọc và phòng ngừa cho người từ 65 tuổi trở lên

    • Lịch khám

    o Mỗi 1 đến 2 năm

    • Sàng lọc

    o Đánh giá nguy cơ mắc bệnh mạn tính

    o Ghi nhận lại các thuốc đang dùng

    o Chiều cao và cân nặng

    o Huyết áp

    o Khám lâm sàng vú

    o Cholesterol máu

    o Sàng lọc ung thư ruột già

    o Xét nghiệm Pap (có thể được thực hiện sau 65 tuổi khi có sự đồng ý của người phụ nữ và bác sĩ)

    o Chụp quang tuyến vú hàng năm cho đến khi 75 tuổi

    o Kiểm tra thị lực sau 74 tuổi

    o Kiểm tra thính giác sau 74 tuổi

    • Tư vấn và giáo dục

    o Chế độ ăn hạn chế chất béo, tư vấn dinh dưỡng

    o Nhắc nhở việc uống rượu và lái xe

    o Liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh

    o Hoạt động thể chất

    • Tiêm chủng

    o Tiêm nhắc uốn ván-bạch hầu 10 năm một lần

    o Vaccin cúm hàng năm

    o Vaccin phế cầu khuẩn

    o Ở nhóm có nguy cơ cao: nên tiêm vaccin viêm gan A và B

    • Thuốc phòng ngừa

    o Aspirin hàng ngày ở những người có yếu tố nguy cơ hoặc đã mắc bệnh tim

    Bao lâu thì những người có nguy cơ bị biến chứng do các bệnh hoặc tình trạng khác nên khám sức khỏe?

    Các khuyến nghị trên đây là dành cho những người khỏe mạnh. Những người mắc các bệnh cụ thể hoặc có nguy cơ cao mắc một số vấn đề sức khỏe nhất định có thể phải gặp bác sĩ thường xuyên hơn và phải cần thực hiện them một số xét nghiệm khác. Bạn và bác sĩ nên cùng nhau quyết định kế hoạch kiểm tra phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể của bạn.

    Chuẩn bị cho khám sức khoẻ tổng quát như thế nào?

    Bạn nên thu thập các giấy tờ sau đây trước khi khám sức khoẻ:

    • Danh sách các loại thuốc hiện tại bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc không kê toa và bất kỳ loại thảo dược bổ sung nào

    • Danh sách bất kỳ triệu chứng hoặc cơn đau nào bạn đang gặp phải

    • Kết quả từ bất kỳ xét nghiệm nào gần đây hoặc có liên quan

    • Tiền sử bệnh và phẫu thuật

    • Tên và thông tin liên lạc của các bác sĩ khác mà bạn có thể đã khám gần đây

    • Nếu bạn có thiết bị cấy ghép như máy điều hòa nhịp tim hoặc máy khử rung tim, hãy mang theo bản sao mặt trước và mặt sau của thẻ thiết bị của bạn

    • Chuẩn bị các câu hỏi nào khác mà bạn muốn được trả lời

    Bạn nên mặc quần áo thoải mái và tránh đeo quá nhiều đồ trang sức, đồ trang điểm hoặc những thứ khác có thể ngăn cản bác sĩ kiểm tra toàn bộ cơ thể bạn.

    Khám sức khoẻ tổng quát được thực hiện như thế nào?

    Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn một loạt câu hỏi liên quan đến tiền sử của bạn, bao gồm mọi bệnh dị ứng, các cuộc phẫu thuật trước đây hoặc các triệu chứng mà bạn có thể gặp phải. Họ cũng có thể hỏi về lối sống của bạn, bao gồm cả việc bạn có tập thể dục, hút thuốc hoặc uống rượu hay không.

    Bác sĩ thường sẽ bắt đầu khám bằng cách kiểm tra cơ thể bạn để phát hiện các dấu hiệu hoặc khối u bất thường. Tiếp theo, họ có thể yêu cầu bạn nằm xuống và sờ bụng cũng như các bộ phận khác trên cơ thể bạn. Khi thực hiện việc này, bác sĩ sẽ kiểm tra độ đặc, vị trí, kích thước, độ mềm và kết cấu của từng cơ quan riêng lẻ của bạn.

    Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe thiết bị nghe mà bác sĩ thường đeo quanh cổ) để nghe các bộ phận khác nhau trên cơ thể bạn. Điều này có thể bao gồm việc nghe phổi của bạn khi bạn hít thở sâu và nghe nhu động ruột của bạn.

    Bác sĩ cũng sẽ sử dụng ống nghe để nghe tim bạn nhằm đảm bảo không có âm thanh bất thường nào. Bác sĩ có thể đánh giá chức năng tim và van tim của bạn cũng như nghe nhịp tim của bạn trong khi khám.

    Bác sĩ cũng sẽ sử dụng một kỹ thuật gõ nhẹ vào cơ thể giống như đánh trống. Kỹ thuật này giúp phát hiện chất lỏng ở những khu vực không nên có, cũng như xác định ranh giới, độ đặc và kích thước của các cơ quan.

    Bác sĩ sẽ trao đổi để có thể khám tuyến vú hoặc cơ quan sinh dục khi bạn cho phép.

    Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra chiều cao, cân nặng và mạch của bạn (xem nó quá chậm hay quá nhanh).

    Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong suốt quá trình khám. Việc khám sức khỏe còn là khoảng thời gian riêng tư được thiết lập để bạn đặt câu hỏi về bất kỳ điều gì liên quan đến sức khỏe. Đừng ngần ngại nếu bạn không hiểu bất kỳ quá trình khám nào mà bác sĩ đang thực hiện.

    Sau đó bạn sẽ được đưa đi để thực hiện các xét nghiệm, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như Xquang, điện tim, siêu âm,…

    Theo dõi sau khi khám sức khoẻ

    Bác sĩ có thể liên hệ với bạn ngay sau khi nhận được các kết quả khám và xét nghiệm đã được thực hiện. Nói chung, họ sẽ cung cấp cho bạn bản sao kết quả kiểm tra của bạn và xem xét cẩn thận hồ sơ. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra những kết luận cụ thể về tình trạng sức khoẻ của bạn và tư vấn điều bạn nên làm tiếp theo. Tùy thuộc vào những gì được phát hiện, bạn có thể cần làm thêm các xét nghiệm khác để xác định tình trạng sức khoẻ của bạn.

    Nếu không cần xét nghiệm bổ sung và không có vấn đề sức khỏe nào phát sinh, bạn sẽ được hẹn thời gian cho lần khám sau.

    BS.CKII Bùi Trọng Hợp – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Trưng Vương 

    Chia sẻ