15/09/2022, 7:00
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), tính đến năm 2021, trên thế giới có khoảng 537 triệu người mắc bệnh đái tháo đường với hơn 90% là đái tháo đường típ 2. Tại Việt Nam, số người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường theo IDF năm 2021 là khoảng 4,2 triệu người, chiếm 6% dân số, trong đó có hơn 2 triệu người chưa được chẩn đoán.
Trong nhiều năm qua, Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương đã và đang tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân đái tháo đường. Trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân bị loét hoặc thậm chí phải tháo khớp hay đoạn chi do biến chứng của bệnh đái tháo đường. Còn gì buồn hơn khi cơ thể mình bị mất đi một bộ phận nào đó nhất là ở bàn chân. Vì vậy, đối với người mắc bệnh đái tháo đường thì việc chăm sóc đôi chân có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó giúp chúng ta di chuyển hàng ngày.
PGS.TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường tăng trở lại, vừa là bệnh khởi phát mới, hoặc bệnh trong lúc dịch không tiếp cận được y tế trong giai đoạn giãn cách. Tình trạng lúc vào khoa đa số loét bàn chân đái tháo đường nhập viện ở mức độ nặng, với tình trạng nhiễm trùng hoại tử tại chỗ, có nguy cơ lan rộng ra nhiễm trùng toàn thân đe doạ đến tính mạng. Đa số các tình trạng đó cần được phẫu thuật cắt lọc cấp cứu và dẫn lưu, giải áp ổ nhiễm trùng tại chỗ, tránh vào nhiễm trùng huyết. Thời gian điều trị tuỳ vào mức độ bệnh, nhưng thường là rất lâu, có thể từ vài tuần đến vài tháng, gây tốn kém và di chứng để lại ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nghiêm trọng, có thể là mất ngón chân, một phần hoặc toàn bộ bàn chân. Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện các vết loét ở giai đoạn sớm rất quan trọng, vì khi nhiễm trùng hoại tử ở mức độ nặng thì di chứng để lại cũng vì vậy mà rất nặng nề”.
Một trong những bệnh nhân bị biến chứng của bệnh đái tháo đường bị hoại tử 02 ngón chân cái dẫn tới tình trạng phải tháo cả 02 ngón chân đó để bảo tồn được cả bàn chân. Chú N, 62 tuổi chia sẻ: “Chú bị tiểu đường típ 2 điều trị khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, lúc đầu chú chỉ bị hoại tử một ngón chân cái thôi nhưng do thói quen đi chân không và ít cắt móng chân nên chú bị tiếp ngón thứ hai phải vào đây điều trị tiếp. Trong thời gian điều trị tại khoa BS.Đạt và các cô chú điều dưỡng thường hay nhắc nhở chú phải mang dép và hướng dẫn chú cách chăm sóc đôi chân khi về nhà. Giờ đây, sau hai năm xuất viện ơn giời đôi chân chú vẫn khỏe mạnh và chú tự đi tái khám được một mình”.
Là người trực tiếp chăm sóc và điều trị cho nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị loét ở bàn chân BS.CKI Võ Kế Đạt – Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ: “Loét bàn chân ở người tiểu đường là biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến kết cục đoạn chi hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm và đúng đắn. Trong thực hành lâm sàng, tôi gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân mất đi bàn chân vì biến chứng mạch máu và thần kinh của bệnh lý đái tháo đường, thường là ở giai đoạn trễ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải bỏ đi bàn chân khiến chúng tôi vô cùng tiếc nuối. Đó là những bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh khiến chân tê bì, tuy nhiên mạch máu nuôi bàn chân còn tốt, nhưng vì cảm giác tê nên bệnh nhân đã tự đắp thuốc không rõ loại, hoặc ngâm chân lâu trong nước nóng khiến bàn chân bị bỏng hoặc nhiễm trùng nặng nề, hoại tử lan rộng, dẫn đến kết cục buộc phải đoạn chi. Vì vậy, bệnh nhân ngoài việc tự chăm sóc và kiểm tra bàn chân mỗi ngày, người thân bên cạnh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc, khuyên bảo và nhắc nhở người bệnh khi ở nhà để không dẫn tới hậu quả đáng tiếc”.
Vậy làm thế nào để chăm sóc tốt bàn chân đái tháo đường khi ở nhà thưa bác sĩ?
BS.CKI Võ Kế Đạt chia sẻ: “Để chăm sóc tốt bàn chân đái tháo đường ở nhà chúng ta nên:
PGS.TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh
Trưởng Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương
PGS.TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa hệ Ngoại năm 1989 tại trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Thạc sĩ Y học năm 2000 tại trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Tiến sĩ Y học năm 2009 tại Học viện Quân Y chuyên ngành Bỏng – Tạo hình. Năm 2018 được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Y học.
Kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị các bệnh lí: Bỏng - Chăm sóc vết thương - Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
BS.CKI Võ Kế Đạt
Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2015 tại trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I năm 2022, chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Công tác tại Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương từ năm 2016 đến nay.
Kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị các bệnh lí: Bỏng - Chăm sóc vết thương - Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Thực hiện: PGS.TS.BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương.
BS.CKI. Võ Kế Đạt – Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương.
Lê Thu – Phòng Công tác xã hội.