266 Lý Thường Kiệt,Phường 14, Quận 10,TP.HCM

    LỊCH SỬ RA ĐỜI NGÀY ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM (26/10)

    26/10/2023, 7:00

    Ở Việt Nam từ xa xưa vốn không có ngành Điều dưỡng, từ thời phong kiến chỉ xuất hiện các thầy lang tự mình kê thuốc cho người bệnh. Phải đến khi Thực dân Pháp đổ bộ thì những Bệnh viện manh nha bắt đầu được xây dựng. Các Bác Sĩ bắt đầu được đào tạo, có người được đào tạo trong nước, lại có người theo Pháp được đi học ở nước ngoài. Không nói quá khi ngành Điều dưỡng được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, cụ thể từ thời cuộc khai thác thuộc địa lần đầu tiên của Pháp diễn ra.

             Chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam, số lượng người bệnh phần lớn các thương bệnh binh ngày càng nhiều. Các Bác Sĩ không thể tự mình lo hết , họ cần những người phụ tá biết sử dụng những kỹ thuật, vật tư Y tế cơ bản để trợ giúp mình. Và thế là những lớp đào tạo miễn phí các Điều dưỡng dưới hình thức sơ khai bắt đầu được mở ra.

             Các lớp học Điều dưỡng được mở trong các Bệnh viện với những tiết học khá chóng vánh và không bài bản, phần lớn các Điều dưỡng khi đó được thực hành về mặt kỹ thuật sơ cứu Y tế là chủ yếu.

             Trước và sau cách mạng tháng 8, ngành Điều dưỡng ở Việt Nam vẫn chưa được coi trọng. Khi Pháp quay trở lại năm 1946, tiến hành cuộc xâm lấn thuộc địa lần thứ 2, các Điều dưỡng viên lúc bấy giờ đứng trước nhiệm vụ mang tính chất dân tộc. Lúc này vai trò của những Điều dưỡng viên trở lên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ có nhiệm vụ ra mặt trận chính chăm sóc những thương bệnh binh, bắt đầu lên các phương án chăm lo cho các chiến sĩ trên mặt trận.

             Từ thời chống Pháp lần 2 cho đến khi cuộc đấu tranh chống Đế quốc Mỹ thắng lợi, ngành Điều dưỡng được Đảng và Nhà nước quan tâm và đặc biệt coi trọng. Năm 1982, ngay trước thềm kỳ đại hội lần thứ 8 chuẩn bị diễn ra cách đó 2 năm, Nhà nước đã cho phép Bộ Y tế ban hành chức danh Y tá trưởng bệnh viện và y tá trưởng khoa. Trước kỳ Đại hội 8 một năm, vào năm 1985, nhiều bệnh viện trong cả nước đã bắt đầu xây dựng cho mình những phòng Điều dưỡng riêng, các tổ chức Điều dưỡng bắt đầu tách ra khỏi các phòng Y vụ. Những Bệnh viện tiếp tục mở các lớp đào tạo nội bộ cho các Điều dưỡng, những Điều dưỡng viên toàn bộ là nữ giới theo học.

             Năm 1986, khi kỳ Đại hội 8, kỳ Đại hội đánh dấu bước ngoặt của đất nước diễn ra, tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội thay đổi toàn diện. Bộ Y tế bắt đầu xác định thành lập những trường đào tạo ngành Y trọng điểm. Từ đó Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chính thức được xây dựng, trở thành 2 trường có chuyên khoa đào tạo Điều dưỡng đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1990, các Sở Y tế đã được thành lập khắp các địa phương trong cả nước, nhận thấy cần có một tổ chức sự nghiệp đảm bảo được quyền lợi cho ngành Điều dưỡng, đặc biệt là các Điều dưỡng viên. Đến ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập. Kể từ đó ngày 26 tháng 10 hằng năm được quy định là ngày Điều dưỡng của Việt Nam.

             Như vậy, ngày Điều dưỡng Việt Nam gắn với sự ra đời của Hội Điều dưỡng Việt Nam. Xác định kim chỉ nam duy nhất là đào tạo nên những Điều dưỡng viên chất lượng, phấn đấu vì sức khỏe của cộng đồng. Lịch sử ngành Điều dưỡng Việt Nam là quá trình đúc kết, kết tinh dân tộc Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử, góp công lớn vào sự phát triển của ngành Y học nước nhà.

    Hiện nay ngành điều dưỡng có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong xã hội. Điều dưỡng viên cũng là một lực lượng chính trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, cộng đồng và cũng là lực lượng giúp đỡ các y bác sĩ trong việc theo dõi người bệnh trong quá trình điều trị bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

    Công việc của ngành điều dưỡng không hề dễ dàng họ cũng chịu áp lực từ công việc. Hơn nữa những ý kiến trong quá trình làm việc của họ đóng vai trò rất quan trọng đối với các bác sĩ trong quá trình đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh, bởi các điều dưỡng chính là những người gần gũi, thân thiết hàng ngày đối với người bệnh

    Trong thời gian gần đây ngành điều dưỡng là một ngành học rất phổ biến đối với các bạn trẻ. Sự phát triển của ngành điều dưỡng có ý nghĩa rất quan trọng trong ngành y tế và cộng đồng. Một trong vai trò khác của ngành điều dưỡng là tư vấn y tế với các kiến thức được cung cấp và trải nghiệm thực tế, họ sẽ giúp đỡ trong quá trình chăm sóc người bệnh như thế nào là tốt nhất để sức khỏe hồi phục nhanh nhất.

    Vừa qua, trong cuộc chiến với COVID-19 của Việt Nam, hàng ngàn điều dưỡng đã can đảm và chuyên nghiệp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm. Đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của điều dưỡng, hộ sinh, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, dấn thân vào nơi nguy hiểm, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động như: sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh COVID-19.

    Nhiều điều dưỡng, hộ sinh đã không có ngày nghỉ, phải xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục, miệt mài tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Những người điều dưỡng luôn có mặt ở tất cả mọi mặt trận, mọi tuyến từ tham gia điều tra xác định người nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng đến tiếp nhận, khám sàng lọc, chăm sóc người bệnh tại khu cách ly trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như sàng lọc, quản lý người nghi ngờ nhiễm, người có thể nhiễm trong các địa điểm cách ly tập trung.

    Nhân dịp Kỷ niệm 33 năm Ngày Điều dưỡng Việt Nam 26/10, "chúc cho tất cả các điều dưỡng viên luôn được tràn đầy sức khỏe và năng lượng để vượt qua mọi thử thách trong công việc. Đôi chân mỏi mệt sẽ được bình phục, và trái tim ấm áp của các bạn sẽ luôn được đền đáp bằng những nụ cười và lời cảm ơn từ những người mà các bạn đã chăm sóc. Hãy tiếp tục sứ mệnh tuyệt vời của mình bằng sự chu đáo, ân cần và nhiệt tình chăm sóc. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai khỏe mạnh và hạnh phúc hơn cho mọi người. Cảm ơn các bạn vì tất cả những gì bạn đã làm cho cộng đồng và xã hội!".

    Hình ảnh người điều dưỡng đang chăm sóc người bệnh
    Hình ảnh người điều dưỡng đang hướng dẫn người bệnh/người nhà người bệnh sử dụng máy phun khí dung tại nhà
    Hình ảnh người điều dưỡng đang phối hợp cùng Bác sĩ trong thực hiện thăm khám người bệnh

    Thực hiện: Đào Thị Bích Trâm - Phòng Điều dưỡng

    Chia sẻ