266 Lý Thường Kiệt,Phường 14, Quận 10,TP.HCM

    Phối hợp Cấp Cứu Ngoại viện – Cấp Cứu Nội Viện – Tim Mạch Can Thiệp – Hồi Sức Tích Cực cứu sống bệnh nhân ngưng tim ngoại viện

    26/08/2022, 7:00

    Ngày 30/07/2022 các bác sĩ tại trạm y tế Phú Thọ Hòa, Trung tâm Cấp Cứu Ngoại Viện 115, Khoa Cấp Cứu – Khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp – Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Trưng Vương đã phối hợp cứu sống bệnh nhân ngưng tim ngoại viện.

    Khoảng 9 giờ 45 ngày 30/7/2022, bệnh nhân Phạm Ngọc Th, nam, sinh năm 1973, đang đi trên đường thì đột ngột bất tỉnh, được người đi đường đưa vào cấp cứu tại trạm y tế Phú Thọ Hòa. Nhận  định bệnh nhân bị ngưng tim ngưng thở, nhân viên trạm y tế phối hợp Trung tâm cấp cứu 115 sơ cứu, hồi sinh tim phổi. Sau 15 phút hồi sinh tim phổi tích cực, bệnh nhân có tim trở lại, vẫn hôn mê, bóp bóng giúp thở qua nội khí quản, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch. Trung tâm Cấp cứu 115 liên hệ và vận chuyển bệnh nhân đến khoa Cấp cứu bệnh viện Trưng Vương. Tiền căn bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đã được đặt stent nhánh liên thất trước cách 2 tháng (ở một bệnh viện bạn), còn hẹp nhánh mạch vành phải. Các bác sĩ trong đơn vị Tim Mạch Can Thiệp đã nhanh chóng hội chẩn, và đưa bệnh nhân vào phòng thông tim ngay. Hình ảnh chụp mạch vành cho thấy stent nhánh liên thất trước vẫn thông tốt, hẹp 70-80% nhánh mạch vành phải. Sang thương trên nhánh mạch vành phải sau đó đã được nong bóng và đặt 1 stent phủ lên. Bệnh nhân được tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với chống loạn nhịp tim, thở máy, vận mạch. Người bệnh tỉnh lại, cai được máy thở, ngưng vận mạch, tiếp tục được chuyển về khoa Tim mạch điều trị. Tại khoa Tim mạch, bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, điện tâm đồ 24 giờ hết loạn nhịp thất. Bệnh nhân  được xuất viện sau 12 ngày điều trị, và hẹn cấy máy phá rung tự động (ICD) sau 40 ngày.

    Ngưng tim ngưng thở ngoài bệnh viện là một tình huống hết sức hiểm nghèo. Đa số người bệnh thường không được sơ cứu ngay trước khi đến bệnh viện nên khi đến bệnh viện, thường nạn nhân không qua khỏi hoặc có để lại di chứng tổn thương não. Bệnh nhân Th rất may mắn khi bất tỉnh ngay trước trạm y tế. Và hệ thống y tế thành phố dù đang chịu tổn thất nặng nề từ những sự cố gần đây, vẫn phối hợp hoạt động rất hiệu quả (ít nhất là trong trường hợp này) để cứu sống người bệnh.

    Hiện nay, y học đã có những tiến bộ rất lớn trong hồi sức – cấp cứu. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị sẽ kém hiệu quả hơn trong trường hợp bệnh nhân tiếp cận hệ thống y tế trễ. Vì vậy, ngay khi phát hiện người bệnh bị ngất, hãy gọi cấp cứu 115 và làm theo hướng dẫn hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

    Thực hiện: BS CKII Trần Thanh Tuấn - Khoa Tim Mạch – Bệnh viện Trưng Vương

    Chia sẻ