266 Lý Thường Kiệt,Phường 14, Quận 10,TP.HCM

    BỆNH GLAUCOMA

    14/03/2025, 7:00

    BỆNH GLAUCOMA

    1. Giới thiệu về bệnh Glaucoma

    Glaucoma (cườm nước), là một bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển mạn tính, đặc trưng bởi tổn thương không hồi phục của dây thần kinh thị giác. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Glaucoma là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người từ 40 – 80 tuổi (tính đến 2020). Dự báo số lượng bệnh nhân có thể tăng tới hơn 100 triệu người vào năm 2040. Đáng chú ý, trong tổng số bệnh nhân mắc Glaucoma trên toàn thế giới, châu Á chiếm tới 47%, trong đó gần 50% người không biết mình có bệnh. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu liên quan đến tình trạng tăng nhãn áp do rối loạn hệ thống dẫn lưu thủy dịch, dẫn đến tổn thương sợi thần kinh thị giác và có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây mù lòa vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

    Glaucoma được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau, bao gồm: 

    • Glaucoma góc mở nguyên phát: Thể bệnh phổ biến nhất, tiến triển âm thầm và thường chỉ được phát hiện khi thị trường bị tổn thương đáng kể.
    • Glaucoma góc đóng: Thường xảy ra đột ngột do góc tiền phòng bị đóng, dẫn đến tăng nhãn áp cấp tính, đau nhức mắt dữ dội và có nguy cơ mất thị lực nhanh chóng.
    • Glaucoma thứ phát: Phát sinh do các nguyên nhân như chấn thương, viêm nhiễm, tắc nghẽn mạch máu võng mạc hoặc lạm dụng corticosteroid.
    • Glaucoma bẩm sinh: Một dạng hiếm gặp, xuất hiện ngay từ khi sinh ra do bất thường phát triển của hệ thống thoát dịch trong mắt.

    2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

    Nguyên nhân chính của bệnh Glaucoma là sự mất cân bằng giữa sản xuất và thoát lưu thủy dịch, gây tăng áp lực nội nhãn. Một số yếu tố nguy cơ quan trọng bao gồm:

    • Di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc Glaucoma nguyên phát góc mở có nguy cơ cao hơn.
    • Tuổi tác: Người trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là Glaucoma góc mở nguyên phát.
    • Bệnh lý toàn thân: Những người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid có nguy cơ cao hơn.
    • Tật khúc xạ: Cận thị nặng có nguy cơ mắc Glaucoma góc mở, trong khi viễn thị có nguy cơ Glaucoma góc đóng.
    • Lạm dụng thuốc corticosteroid: Dùng corticoid kéo dài, đặc biệt là dưới dạng thuốc nhỏ mắt, có thể gây tăng nhãn áp thứ phát.
    • Chấn thương nhãn cầu: Có thể gây Glaucoma sau chấn thương do tổn thương góc tiền phòng hoặc biến đổi màng bè.

    Ngoài ra, những yếu tố như stress kéo dài, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

    3. Triệu chứng của bệnh Glaucoma

    Glaucoma thường diễn tiến âm thầm, đặc biệt là Glaucoma góc mở nguyên phát. Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

    • Suy giảm thị lực ngoại vi, thường không nhận thấy cho đến khi bệnh ở giai đoạn muộn.
    • Nhìn mờ thoáng qua, đặc biệt vào buổi sáng.
    • Cảm giác căng tức nhãn cầu.
    • Nhìn thấy quầng sáng quanh nguồn sáng, đặc biệt là vào ban đêm.
    • Trong trường hợp Glaucoma góc đóng cấp tính, có thể xuất hiện đau nhức mắt dữ dội, đỏ mắt, buồn nôn và nôn.
    • Giảm độ nhạy cảm với ánh sáng và cảm giác mắt mờ dần theo thời gian.

    Việc phát hiện sớm thông qua kiểm tra thị lực, nhãn áp, soi đáy mắt, chụp cắt lớp cố kết quang học nhãn cầu (OCT) và đo thị trường là vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát bệnh lý này.

    4. Cách phòng ngừa bệnh Glaucoma

    Do bệnh Glaucoma không thể chữa khỏi hoàn toàn, việc chẩn đoán sớm và theo dõi định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thị lực. Một số biện pháp phòng ngừa bao gồm:

    • Khám mắt định kỳ: Người có yếu tố nguy cơ nên đo thị lực, đo nhãn áp, soi đáy mắt và kiểm tra trường thị giác định kỳ ít nhất mỗi 3-6-12 tháng.
    • Bảo vệ mắt: Đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc trong môi trường nguy hiểm hoặc có nguy cơ chấn thương nhãn cầu.
    • Kiểm soát bệnh lý toàn thân: Quản lý tốt đái tháo đường, tăng huyết áp để giảm nguy cơ tiến triển bệnh..
    • Tránh lạm dụng thuốc: Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid mà không có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa mắt.
    • Hạn chế uống rượu bia và hút thuốc lá: Đây là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh thị giác và ảnh hưởng đến sức khỏe mắt.

    5. Các phương pháp điều trị Glaucoma

    Hiện nay, việc điều trị Glaucoma nhằm mục đích kiểm soát nhãn áp, bảo vệ thần kinh thị giác và duy trì thị lực cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bao gồm:

    • Điều trị bằng thuốc: Chủ yếu là các thuốc nhỏ mắt như nhóm prostaglandin (Latanoprost, Travoprost), nhóm chẹn beta (Timolol), nhóm ức chế carbonic anhydrase (Dorzolamide, Acetazolamide) giúp giảm nhãn áp.
    • Laser trị liệu: Các phương pháp như laser tạo hình vùng bè chọn lọc (SLT), cắt mống mắt bằng laser (LPI) giúp cải thiện dẫn lưu thủy dịch.
    • Phẫu thuật: Trong trường hợp Glaucoma tiến triển nặng, phẫu thuật cắt bè củng mạc hoặc đặt shunt thoát dịch có thể được chỉ định.

    6. Kết luận

    Glaucoma là một bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển mạn tính, có thể gây mất thị lực không hồi phục nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Việc kiểm tra mắt định kỳ, phát hiện sớm và can thiệp phù hợp là biện pháp quan trọng giúp bảo tồn chức năng thị giác lâu dài. Hãy chủ động bảo vệ đôi mắt của mình bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh, vì một đôi mắt sáng khỏe suốt đời.

    Thực hiện: TTƯT. BS CKII Nguyễn Thế Hồ - Trưởng khoa Mắt

    Chia sẻ