16/08/2023, 7:00
I. Bệnh lý nhân tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến cơ quan nội tiết lớn nhất trong cơ thể, hình cánh bướu nằm trước dưới cổ. Bao gồm hai thùy phải và trái, nối nhau bởi eo tuyến giáp, di dộng theo nuốt. Chức năng có ảnh hưởng rất lớn trên chuyển hóa cơ bản của cơ thể, tiết ra hormone để điều chỉnh nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ và sự trao đổi chất của cơ thể.
Bướu nhân tuyến giáp hay còn gọi là bướu cổ hoặc u tuyến giáp, là một tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp. Nhân tuyến giáp có thể ở dạng khối đặc hoặc chứa đầy chất lỏng, phần lớn đều lành tính và không nguy hiểm, chỉ có một số ít trường hợp nhân ác tính có thể dẫn đến ung thư tuyến giáp.
Trên thế giới, tỉ lệ người dân trong cộng đồng có bướu nhân giáp là 4- 7% dân số, chủ yếu ở nữ giới, không gây ra triệu chứng gì. Nó thường chỉ được phát hiện trong khám sức khỏe tổng quát hoặc qua siêu âm hay vì một lý do khám sức khỏe khác. Khi nhân giáp to hơn có thể xuất hiện một số biểu hiện như:
- Cảm nhận được khối nhân giáp, khi nuốt cảm giác vương vướng.
- Nhìn thấy một khối ở trước cổ, di động theo nuốt.
- Khó thở, khó nuốt, ho dai dẳng hoặc khàn giọng do bướu lớn chèn ép khí quản hoặc thực quản.
Đôi khi, nhân tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng của bệnh lý cường giáp hay suy giáp như:
- Gầy, sút cân, mệt mỏi
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Run tay.
- Lo lắng.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt với nữ giới.
Bệnh tuyến giáp thường gặp
II. Điều trị bướu nhân tuyến giáp bằng RFA là gì ?
Bướu nhân tuyến giáp có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, siêu âm tuyến giáp và chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA).
Siêu âm tuyến giáp
Nhân giáp lành tính thường được theo dõi và không cần can thiệp, với một số nhân giáp phát triển, to và chèn ép cổ họng, cùng với vấn đề về thẩm mỹ cần can thiệp là phẫu thuật tuyến giáp kinh điển. Mặc dù phẫu thuật thường cho kết quả đáp ứng tốt và ít rủi ro, nhưng một số trường hợp cho là có liên quan đến các biến chứng như suy giáp, tụ máu, nhiễm trùng vết mổ, tê tay do hạ Calci máu, chấn thương thần kinh gây khàn giọng gây khó thở hay chấn thương các cấu trúc xung quanh, làm ảnh hưởng thẩm mỹ (sẹo mổ) và không thực hiện được trên bệnh nhân rối loạn đông máu.
Với sự phát triển của y học ngày nay cùng phương châm điều trị ít xâm lấn, hạn chế tối đa biến chứng và thời gian nằm viện ngắn hơn.
Phương pháp đốt bằng sóng cao tần RFA cho những bệnh nhân có nhân giáp lành tính mang lại hiệu quả khả quan.
Phương pháp đốt sóng cao tần tuyến giáp là phương pháp dùng dòng điện xoay chiều có tần số cao để tạo nhiệt nhờ sự ma sát các ion trong mô giúp tiêu hủy khối mô. Khi thực hiện kỹ thuật, một cực điện được đặt ở trung tâm khối u, dòng điện được truyền qua một điện cực dạng kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào dẫn đến hoại tử đông khối u, từ đó làm giảm thể tích bướu nhân tuyến giáp.
Cắt đốt bướu nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần RFA điều trị đâm kim qua da, xâm lấn tối thiểu và được thực hiện nhanh chóng, bệnh nhân không cần gây mê mà chỉ gây tê tại chổ. Dựa vào hướng dẫn của hình ảnh siêu âm, các bác sĩ có thể phát sóng cao tần một cách chính xác để đốt các nhân giáp nhằm thu nhỏ (xơ hóa) chúng. Vai trò chính nằm ở việc giảm đáng kể thể tích trung bình của nhân giáp và cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân. Các thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy ở hầu hết các bệnh nhân, các triệu chứng liên quan đến bướu giáp được cải thiện hoặc biến mất đáng kể.Phương pháp này đã được chứng minh đem lại hiệu quả cao và an toàn trong các trường hợp nhân giáp lành tính và là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn thay thế phẫu thuật.
Đốt RFA sang thương của tuyến giáp
III. Ưu điểm của đốt nhân giáp bằng RFA là gì?
Ngoài ra, cắt đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần RFA còn đem lại cho người bệnh một số lợi ích sau:
- Phương pháp xâm lấn tối thiểu.
- Thực hiện dưới gây tê, không gây đau đớn.
- Bảo vệ mô tuyến giáp lành nên không gây tình trạng suy giáp và không cần uống thuốc suốt đời.
- Điều trị ngoại trú, về trong ngày, không cần nằm viện.
- Thời gian phục hồi ngắn, bệnh nhân có thể trở lại hoạt động bình thường gần như ngay sau đó.
- Tỷ lệ biến chứng thấp so với phương pháp mổ truyền thống như: chảy máu, nhiễm khuẩn, khàn giọng, bị tê tay do hạ Calci trong máu…
- Không để lại sẹo.
- Được sử dụng trên toàn thế giới.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống.
IV. Nhược điểm của đốt nhân giáp bằng RFA là gì?
Nhìn chung, phương pháp cắt đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần RFA là một kỹ thuật an toàn. Một số nguy cơ chính là dị ứng thuốc gây tê, chảy máu, khàn giọng, bỏng da và nhiễm trùng.
Các biến chứng nghiêm trọng rất hiếm gặp, có thể bao gồm tổn thương thực quản, khí quản và thần kinh quặt ngược thanh quản (thần kinh điều khiển giọng nói). Trong đó nguy cơ tổn thương vĩnh viễn dây thần kinh quặt ngược thanh quản làm thay đổi giọng nói là rất thấp.
Sau khi thực hiện RFA, thể tích của nhân tuyến giáp sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, các nhân lớn hơn có thể cần nhiều hơn một lần điều trị để thu nhỏ nhân hiệu quả.
V. Cắt đốt bướu nhân tuyến giáp bằng RFA ở đâu?
Tại khoa Ngoại Lồng ngực- Mạch máu- Thần kinh- Bệnh viện Trưng Vương đã triển khai kỹ thuật đốt bướu nhân giáp bằng RFA. Với đội ngũ chuyên gia và các bác sĩ giàu kinh nghiệm can thiệp các bệnh lý về tuyến giáp như bướu nhân giáp, bướu nang giáp, ung thư tuyến giáp hay bướu giáp thòng trung thất với các phương pháp như phẫu thuật kinh điển, phẫu thuật nội soi tuyến giáp và đốt bướu nhân giáp bằng RFA. Phương pháp đốt bướu nhân giáp bằng RFA giúp người bệnh không cần rạch da để lại sẹo, hạn chế tối đa các biến chứng và thời gian nằm viện rút ngắn với chi phí thấp so với các phương pháp khác, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, tiền bạc và sự âu lo sang chấn tâm lý do phẫu thuật có thể mang đến.
Bác sĩ thực hiện đốt RFA
Thực hiện: BS.CKI. Ngô Tấn Minh Mẫn _ Khoa Ngoại Lồng Ngực- Mạch Máu- Thần Kinh