Dị vật đường thở là một trong những tình huống nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, thậm chí có thể tử vong chỉ trong vòng vài phút nếu nạn nhân bị tắt nghẽn hoàn toàn đường thở. Tuy vậy, việc sơ cứu cho bệnh nhân dị vật đường thở lại có tỉ lệ thành công rất cao dù được thực hiện bởi người không phải nhân viên y tế. Vì thế, biết cách sơ cứu dị vật đường thở là kỹ năng cần thiết cho tất cả mọi người.
Trong tất cả các trường hợp, việc nhận biết dấu hiệu tắt nghẽn đường thở có vai trò quan trọng trong việc sơ cứu nạn nhân, người sơ cứu cần nhớ các dấu hiệu bị tắt nghẽn đường thở nhưng không nên can thiệp trừ khi đường thở của nạn nhân bị tắt nghẽn hoàn toàn do dị vật; vì phản xạ tự làm thông đường thở có thể hiệu quả và ít tổn thương hơn so với các kỹ thuật can thiệp.
Dấu hiệu bị tắt nghẽn đường thở:
Ho, ho mạnh hoặc yếu
Ôm họng bằng 1 hoặc 2 tay
Không có khả năng ho, nói, khóc hoặc thở
Tạo ra các tiếng kêu ở phần trên của cổ họng và thở nặng nề
Hoảng loạn
Da xanh xao
Bất tỉnh nếu không làm thông đường thở.
Trong đó, các dấu hiệu cho thấy nạn nhân có khả năng bị tắt nghẽn hoàn toàn như: không nói được, không thở được, lồng ngực kém phập phồng, da tái nhợt, chi lạnh, da xạm, mắt trợn .
Sơ cứu dị vật đường thở:
Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi:
Mức độ tắt nghẽn nhẹ: khuyến khích ho, theo dõi sát đến khi triệu chứng giảm hoặc hết.
Mức độ nặng:
Còn tỉnh: gọi cấp cứu y tế, thực hiện sơ cứu đến khi tống được dị vậy ra theo các bước: kiểm tra tắt nghẽn, lấy dị vật → 5 lần vỗ lưng → 5 lần ép bụng (thủ thuật Heimlich), thực hiện lại các bước nếu di vật chưa được lấy ra hoặc không còn đáp ứng. Chỉ lấy dị vật khi là vật rắn có thể thấy bằng mắt thường, không cho tay vào dò tìm dị vật vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn. Có thể bỏ qua việc vỗ lưng trên người lớn đặc biệt là người to béo vì kém hiệu quả.
Thủ thuật vỗ lưng:
Vị trí một bên gần phía sau lưng nạn nhân
Một tay đỡ ngực, ngã nạn nhân về trước để dị vật dễ ra, tránh rơi ngược lại vào đường thở
Dùng phần thịt lòng bàn tay vỗ 5 lần mạnh, dứt khoát vào phần giữa hai xương vai
Hình 1 Thủ thuật vỗ lưng
Thủ thuật ép bụng (Heimlich)
Đứng sau nạn nhân, để người bị nạn cúi người về phía trước, vòng tay quanh eo
Nắm một tay, tay kia bọc lại, đặt vào phía trên rốn
Đẩy mạnh lên trên về phía lồng ngực, nhanh và mạnh 5 lần.
Hình 2 Thủ thuật Heimlich
Nạn nhân có thể tự thực hiện thủ thuật Heimlich bằng cách ép bụng mình nhiều lần vào điểm tựa cứng như lưng ghế, cạnh bàn, rào chắn hình vòm
Hình 3 Tự làm thủ thuật Heimlich
Hình 4 Động tác ép ngực Không còn tỉnh: thực hiện ngay hồi sinh tim phổi (CPR), động tác ép ngực có khả năng tạo ra lực đẩy dị vật tương tự ép bụng, mỗi khi thổi ngạt, quan sát miệng bệnh nhân để lấy dị vật nếu có thễ.
Trường hợp đặc biệt: Với người to béo không thể vòng tay qua ngực, thực hiện ép ngực như trong CPR thay vì Heimlich với tốc dộ chậm và lực mạnh hơn. Với phụ nữ có thai dùng thủ thuật Heimlich với vị trí là ngưc bệnh nhân thay cho bụng.
B. Trẻ dưới một tuổi
Còn tỉnh: Cho trẻ nằm úp mặt dưới cẳng tay, dùng cườm tay còn lại vỗ mạnh lên lưng vị trí hai xương bả vai 5 lần. Nếu không hiệu quả, để trẻ nằm đầu dốc, lấy hai ngón tay ấn vào vị trí 1/2 dưới xương ức 5 lần (giống động tác CPR trẻ em). Thay phiên làm các động tác này và kiểm tra khoang miệng cho đến khi bật dị vật ra ngoài, trẻ thở được.
Không tỉnh: thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR), kiểm tra miệng, lấy dị vậy khi có thể (vật rắn, nhìn thấy được)
Hình 5 Sơ cứu dị vật đường thở trẻ em dưới một tuổi
C. Sau khi sơ cứu dị vật đường thở thành công, dị vật có thể vẫn còn trong đường thở trên hoặc dưới và có thể gây biến chứng. Trẻ sơ sinh bị ho liên tục, khó nuốt, hoặc vẫn cảm thấy dị vật tắc trong đường thở thì cần được chuyển tuyến tới cơ sở điều trị y tế. Một trong những lý do cần phải khám y tế là nạn nhân có thể bị tổn thương nghiêm trọng do ép bụng hoặc bị tổn thương đường thở ở vị trí dị vật tắc và/hoặc vị trí rút dị vật.
Phòng ngừa dị vật đường thở
Hướng dẫn trẻ nhỏ không vừa ăn vừa cười đùa
Không ép trẻ ăn hay uống thuốc khi trẻ đang khóc hoặc giãy giụa.
Để xa tầm tay trẻ em các đồ vật nhỏ, tuổi hiếu động và khám phá thế giới làm trẻ tò mò và đưa lên miệng mọi thứ.
Người có mức độ tỉnh táo thấp, ngộ độc thuốc, ngộ độc rượu, người già đeo răng giả, lú lẫn, có bệnh lý tai biến mạch não, là những đối tượng có nguy cơ dị vật đường thở và dị vật đường tiêu hóa cao.